Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) chính thức được thông qua

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/06/2022 19:55 PM

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, chiều ngày 15/06, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 424/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có bố cục gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài;cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Luật quy định mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật quy định việc thi đua được thực hiện trên các nguyên tắc: tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc khen thưởng được thực hiện trên các nguyên tắc sau đây: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được.

Luật nêu rõ, một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

Toàn cảnh phiên biểu quyết

Các loại hình khen thưởng theo Luật quy định gồm có: khen thưởng công trạng là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khen thưởng đột xuất là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất; khen thưởng phong trào thi đua là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động lâu dài trong các giai đoạn cách mạng hoặc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có công lao, thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có thành tích, có quá trình công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân…

Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên đối với cá nhân, tập thể có thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định.

Để đảm bảo tính khả thi, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng; cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện tuyên truyền, vận động, động viên các đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng và phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng…

Luật giao Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương có trách nhiệm thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong việc tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; tham mưu, tư vấn cho cấp có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; định kỳ đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tham mưu tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng; kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời giao Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thực hiện quản lý công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi ngành.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Một số hình ảnh tại phiên biểu quyết:

Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham gia biểu quyết

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia biểu quyết

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên tham gia biểu quyết

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có bố cục gồm 8 Chương, 96 Điều quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài;cá nhân, tập thể người nước ngoài

Thu Phương - Phạm Thắng

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,279

Bài viết về

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]