Luật Hình sự “bỏ qua“ vi phạm mới về tài chính?

15/01/2013 08:26 AM

Những năm gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có những diễn biến khó lường, đã xuất hiện nhiều mặt hàng buôn lậu mới, có giá trị cao mà từ trước tới nay chưa từng phát hiện như xe ô tô du lịch 5 chỗ ngồi, gỗ sưa, vảy tê tê… Song Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 chưa đáp ứng được thực tiễn, gây khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm.

Tội danh buôn lậu đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể về hành vi vi phạm

Thiếu hướng dẫn cụ thể, khó xử hành vi vi phạm

Bên cạnh đó, cũng trong lĩnh vực tài chính, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi cho biết, tội phạm về chứng khoán bắt đầu xuất hiện và ngày càng có tính chất phức tạp. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là hành vi trốn thuế cũng đang diễn ra tinh vi và có tổ chức. Chẳng hạn tội buôn lậu, Điều 153 BLHS hiện hành quy định: “Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường sau đây thì bị phạt tiền… hoặc phạt tù…”.

 

Nhưng từ khi ban hành BLHS năm 1999 đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về hành vi buôn lậu. Tương tự, tội trốn thuế cũng chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số dấu hiệu của tội phạm được quy định còn chung chung như việc xác định hậu quả đối với ba tội phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.

 

Đồng tình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn nhận xét: Các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại tại các Điều 180a, 180b và 180c BLHS, nhưng còn mang tính định tính, chung chung, gây khó khăn trong việc xác định vi phạm, nhất là ranh giới xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi chưa rõ ràng.

 

Không những thế, pháp luật chứng khoán và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan chưa có quy định chi tiết về việc xác định mức độ thiệt hại cụ thể từ các hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán nhằm thu lợi bất chính trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cho nên, việc xác định hậu quả để truy cứu trách nhiệm hình sự còn khó khăn.

 

Nghiên cứu bổ sung hai tội mới

Từ những bất cập trên, theo ông Khôi, cần bổ sung các hành vi vi phạm phải bị xử lý đối với hành vi thao túng giá chứng khoán; các dấu hiệu của tội trốn thuế như người nộp thuế có số nợ thuế lớn, chây ỳ không nộp thuế, nộp phạt kéo dài; tăng mức phạt tiền đối với tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa.

 

Ngoài ra, ông Khôi đề xuất nghiên cứu bổ sung hai tội danh mới là tội không chấp hành quyết định cưỡng chế hành chính về thuế gây hậu quả nghiêm trọng và tội gây lãng phí tiền và tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

 

“Dây dưa nợ thuế là hành vi chiếm dụng tiền thuế của ngân sách Nhà nước, chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính chưa mang ý nghĩa răn đe, giáo dục đối tượng, làm thất thoát tài sản, tiền thu cho ngân sách nhà nước; hiệu quả áp dụng các chế tài về cưỡng chế nợ thuế chưa cao. Việc bổ sung tội gây lãng phí tiền và tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng là tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế chế tài xử lý đối với hành vi lãng phí đã được quy định tại Điều 82 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” - ông Khôi phân tích.

 

Ông Bùi Văn Dũng (Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư - Bộ Công an) thì kiến nghị cụ thể hóa nội hàm khái niệm “trốn thuế” bằng các hành vi cụ thể trên cơ sở cân nhắc lựa chọn các dạng hành vi được quy định tại Luật Quản lý thuế và một số dạng vi phạm khác xảy ra trên thực tế như không nộp hồ sơ đăng ký thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp hoặc chứng từ, tài liệu không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp.

 

“Đối với các tội phạm trong lĩnh vực tài chính – kế toán, cần tiếp tục hoàn thiện các Điều 164a, 164b theo hướng bổ sung những trường hợp xử phạt nặng đối với các tội này như lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; mạo nhận một tổ chức không có thật…”, ông Dũng nói thêm.

Xử lý hình sự hành vi chuyển giá

Hoạt động chuyển giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang ngày càng tinh vi, phức tạp. Hậu quả đã gây bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, làm gia tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, BLHS lại chưa có điều luật quy định xử lý hành vi chuyển giá, cơ sở pháp lý duy nhất mà các cơ quan chức năng dựa vào là xử lý hành vi về tội trốn thuế.

Nhiều chuyên gia cho rằng trong tương lai, cần nghiên cứu bổ sung hành vi chuyển giá vào tội trốn thuế hoặc vào một tội khác của BLHS để xử lý các thủ đoạn chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI và kể cả các DN không phải DN FDI. 

 

Anh Thư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,015

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]