Trình tự miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (ảnh minh họa)
Công chức xử lý hồ sơ thực hiện việc kiểm tra hồ sơ miễn thuế như sau:
- Kiểm tra sự đầy đủ, hợp lệ
Kiểm tra các chứng từ trong hồ sơ miễn thuế theo quy định Điều 5, Điều 7, từ Điều 8 đến Điều 19, Điều 21 đến Điều 28, Điều 29, Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP), khoản 1 Điều 14 Thông tư 06/2021/TT-BTC, cụ thể:
- Kiểm tra chi tiết hồ sơ;
- Đối chiếu với các thông tin khác có liên quan.
Công chức xử lý hồ sơ chia hồ sơ ra thành 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Tờ khai hải quan điện tử
Trường hợp 2: Tờ khai hải quan giấy
Công chức xử lý hồ sơ kiểm tra và xử lý hồ sơ theo 03 nhóm:
+ Hồ sơ phải bổ sung hoặc giải trình;
+ Hồ sơ đủ điều kiện miễn thuế;
+ Hồ sơ không đủ điều kiện miễn thuế.
(1) Việc kiểm tra sử dụng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 31a Nghị định 134/2016/NĐ-CP được bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP.
(2) Thẩm quyền kiểm tra
- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế tổ chức thực hiện kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế tại trụ sở của chủ dự án đối với các trường hợp dự án trong quá trình xây dựng cơ bản.
- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế tổ chức thực hiện kiểm tra tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro đối với các trường hợp dự án đã hoàn thành quá trình xây dựng cơ bản.
(3) Trình tự, thủ tục kiểm tra
Trình tự, thủ tục kiểm tra thực hiện theo trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
(4) Nội dung kiểm tra
Người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các nội dung đơn cử như:
- Kiểm tra hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế; Danh mục miễn thuế; thông báo tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế và các tài liệu có liên quan;
- Kiểm tra hồ sơ hải quan hàng hóa nhập khẩu miễn thuế; kiểm tra tên hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa nhập khẩu đã được miễn thuế, ghi chép kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên tờ khai hải quan và các chứng từ khác có liên quan;
- Kiểm tra thực tế sử dụng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế, hàng hóa còn tồn kho…
(5) Xử lý kết quả kiểm tra
Cơ quan hải quan thực hiện thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) đối với các trường hợp:
- Hàng hoá không thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng khai báo thuộc đối tượng miễn thuế và đã được thông quan theo khai báo của người nộp thuế;
- Hàng hoá đã được miễn thuế nhưng chủ dự án sử dụng không đúng mục đích miễn thuế, chuyển nhượng, chuyển tiêu thụ nội địa không khai báo với cơ quan hải quan hoặc khai báo với cơ quan hải quan sau khi đã chuyển nhượng, chuyển tiêu thụ nội địa;
- Hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu hết thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP, Điều 23 Nghị định 134/2016/NĐ-CP;
- Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với Danh mục miễn thuế đã thông báo với cơ quan hải quan;
- Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp khác vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế, pháp luật về hải quan.
(6) Lưu trữ hồ sơ và báo cáo kết quả kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế
- Hồ sơ kiểm tra việc sử dụng hàng hóa miễn thuế và kết quả xử lý kết quả kiểm tra được lưu trữ cùng bộ hồ sơ thông báo Danh mục miễn thuế tại đơn vị.
- Trường hợp kết quả kiểm tra xác định chủ dự án có vi phạm quy định của pháp luật về thuế, quản lý thuế, pháp luật về hải quan thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải báo cáo kết quả kiểm tra và kết quả xử lý kết quả kiểm tra về Tổng cục Hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả.
Xem chi tiết trình tự miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Quyết định 3394/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021.
Như Mai