Thủ tục rút gọn: Chỉ xử trong vòng một tháng?

25/09/2012 17:31 PM

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, TAND Tối cao đang soạn thảo Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự. Ở lộ trình ban đầu này, rất nhiều nội dung được đưa ra bàn luận còn gây tranh cãi như có nên bỏ thủ tục hòa giải, có cần mở phiên tòa hay không…

Tại buổi hội đàm về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự do TAND Tối cao vừa tổ chức, ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - TAND Tối cao) cho biết thủ tục rút gọn nên được hiểu trên hai khía cạnh: Thứ nhất, thủ tục này khác với thủ tục thông thường ở chỗ giảm bớt một số công đoạn nhất định trong trình tự giải quyết án, được quy định một cách linh hoạt hơn và tổ chức xét xử bởi một thẩm phán. Thứ hai, tiêu chuẩn của những vụ án giải quyết bằng thủ tục rút gọn phải là những tranh chấp đơn giản, có chứng cứ rõ ràng.

Áp dụng cho loại án nào?

Theo ThS Bùi Thị Dung Huyền (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật dân sự thương mại Viện Khoa học xét xử - TAND Tối cao), thủ tục rút gọn có thể áp dụng cho tranh chấp đơn giản có giá trị thấp ở một mức độ nhất định hoặc tranh chấp mà chứng cứ về quyền, nghĩa vụ và sự vi phạm giữa các bên đã rõ ràng.

Chẳng hạn các tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hành khách, về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng… có nội dung rõ ràng, tình tiết đơn giản, giá trị tranh chấp không quá 10 triệu đồng. Hoặc án hôn nhân - gia đình mà vợ chồng không tranh chấp về tài sản, về số tiền cấp dưỡng, về thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn. Hoặc tranh chấp hợp đồng vay, thuê, mượn, trao đổi tài sản mà các bên không tranh chấp về quyền sở hữu...

Ngoài ra, có thể quy định các loại vụ kiện khác cũng có thể được giải quyết theo thủ tục rút gọn nếu các đương sự thỏa thuận và yêu cầu tòa. Tuy nhiên, thủ tục rút gọn sẽ không được áp dụng với những vụ án cần phải tống đạt giấy tờ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Chỉ một thẩm phán giải quyết?

Tại buổi tọa đàm, một vấn đề gây tranh cãi, chưa thống nhất được là chuyện hội đồng xét xử. Nhiều đại biểu cho rằng một khi vụ việc đã “rõ như ban ngày” để áp dụng thủ tục rút gọn thì chỉ cần một thẩm phán giải quyết là đủ, không cần thiết phải có thêm hai hội thẩm nhân dân như trong thành phần hội đồng xét xử thông thường.

Ngược lại, không ít người khác lập luận dù có rút gọn, lược bớt thủ tục thế nào đi nữa thì khi xét xử vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét xử dân chủ, công bằng, phán quyết theo đa số để tránh tình trạng thẩm phán lạm quyền.

Bỏ khâu hòa giải?

Cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất thời gian giải quyết án dân sự theo thủ tục rút gọn chỉ nên là một tháng kể từ ngày tòa thụ lý đơn kiện. Trong quá trình giải quyết, thẩm phán sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết theo quy định để lập hồ sơ. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp cần thiết nào thì sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và quy định chi tiết cho từng loại tranh chấp.

Khi góp ý cho dự thảo Pháp lệnh, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) từng cho rằng nên bỏ hẳn khâu hòa giải. Bởi lẽ một khi tình tiết, chứng cứ đã rõ, đã được các bên thừa nhận, không phản đối và không cần xác minh thì tòa hòa giải cũng bằng thừa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại nhận xét khâu hòa giải là thủ tục bắt buộc cần thiết đối với án dân sự, không thể bỏ. Bởi lẽ nếu đương sự có thể thỏa thuận với nhau khi hòa giải thì có thể giải quyết còn nhanh hơn. Hơn nữa, việc tổ chức phiên hòa giải cũng không tốn quá nhiều thời gian, thẩm phán hoàn toàn có thể sắp xếp được để giải quyết cho phù hợp.

Không cần mở phiên tòa?

Trao đổi, một chuyên gia nước ngoài cho biết ở một số nước trên thế giới như Nga, khi giải quyết án dân sự theo thủ tục rút gọn, tòa ban hành lệnh (hay quyết định) mà không cần phải mở phiên tòa và cũng không cần triệu tập các bên đương sự.

Nhiều thẩm phán trong nước thì cho rằng tình hình ở nước ta khác nên vẫn cần phải mở phiên tòa để nghe các bên đương sự trình bày, giải thích hay đối chiếu xem có mâu thuẫn hay sự giả mạo về giấy tờ hay không. Phiên xử này vẫn phải tiến hành các bước như thủ tục thông thường.

Xử phúc thẩm hay không?

Cạnh đó, việc có hay không thủ tục xét xử phúc thẩm cũng gây tranh cãi. Có đại biểu cho rằng đối với án áp dụng thủ tục rút gọn thì chỉ cần xét xử một lần là có hiệu lực thi hành ngay. Nhưng một số chuyên gia phân tích như vậy thì chỉ có một cấp xét xử, không phù hợp quy định hiện hành. Chưa kể, việc xét xử của cấp sơ thẩm hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, vẫn cần duy trì nguyên tắc hai cấp xét xử.

Một vấn đề khác được tương đối đồng thuận hơn là án phí. Ở một số nước trên thế giới, án phí trong thủ tục rút gọn thấp hơn hoặc chỉ bằng một nửa so với án giải quyết theo thủ tục thông thường. Đây cũng là xu hướng được nhiều đại biểu ủng hộ. Mức án phí thấp hơn so với thủ tục thông thường là hợp lý bởi giá trị tranh chấp thấp, mặt khác sẽ tạo điều kiện cho người dân khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp thay vì lựa chọn những cách tiêu cực để giải quyết tranh chấp.

Lịch sử “tố tụng dân sự rút gọn” ở Việt Nam

Ở Việt Nam, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn từng được quy định từ năm 1946. Tuy nhiên, thời đó hình thức tố tụng rút gọn này hạn chế ở chỗ chỉ có một hình thức duy nhất là xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm và chỉ được áp dụng đối với tranh chấp dân sự có giá ngạch thấp.

Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn trước đây nằm rải rác trong một số văn bản như:

+ Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 (về tổ chức tòa án và quy định các ngạch thẩm phán) có quy định chánh án xử một mình.

+ Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946 (về thẩm quyền tòa án sơ cấp về dân sự, thương mại) và Điều 12 Luật Tổ chức TAND năm 1960 có quy định có thể xét xử một thẩm phán, không có hội thẩm nhân dân trong vụ án nhỏ, giản đơn, không quan trọng.

+ Nghị định số 32 ngày 6-4-1952 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 4013 ngày 9-5-1959 của Bộ Tư pháp và Thông tư liên bộ thẩm phán - TAND Tối cao số 93 ngày 11-11-1959 có quy định tòa án huyện có quyền chung thẩm trong một số lĩnh vực.

Thủ tục rút gọn tại một số nước

Nhật: Tòa án đơn giản có thẩm quyền giải quyết những vụ án liên quan đến yêu cầu có số tiền kiện không vượt quá 1,4 triệu yen. Luật nước này công nhận các quy định đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục khởi kiện, xét xử như: Việc khởi kiện có thể thực hiện bằng miệng. Đương sự không cần phải chuẩn bị văn bản mà chỉ cần có mặt vào ngày tranh luận miệng để nêu ý kiến là đủ. Tòa khi thấy phù hợp có quyền yêu cầu nộp văn bản thay cho việc hỏi người làm chứng, đương sự hoặc người giám định, không phụ thuộc vào việc các bên đương sự có phản đối hay không.

Trung Quốc: Đặc điểm của thủ tục rút gọn tại nước này là hai bên đương sự có thể đồng thời đến tòa đề nghị giải quyết tranh chấp. Tùy từng trường hợp, tòa có thể xét xử ngay hoặc định một ngày khác. Đồng thời, tòa có thể thông báo miệng cho các đương sự về nội dung khởi kiện…

HOÀNG YẾN

Theo phapluattp.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,998

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]