Bốn lãnh đạo cao cấp Muaban24 bị 'sờ gáy'

02/08/2012 14:19 PM

Sáng nay, Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt Chủ tịch HĐQT cùng Tổng giám đốc và 2 Phó tổng giám đốc Công ty đào tạo Mua bán trực tuyến Muaban24, nơi có hàng chục nghìn thành viên với số tiền đóng góp tới 700 tỷ đồng.

Theo nguồn tin của VnExpress, các ông Ngô Văn Huy (Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Tuấn Minh (Tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Hà (Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc), Lê Văn Cường (Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc) bị điều tra về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (điều 262b Bộ luật Hình sự).

Từ hôm qua, cảnh sát đã triệu tập ông Hà, Cường và Huy đến làm việc. Riêng Chủ tịch HĐQT Minh (39 tuổi, ngụ ở Vĩnh Phúc) không có mặt tại nơi cư trú.

Tối 1/8, Công an Hà Nội cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đồng loạt khám xét nơi ở của 4 người này. Nhiều tài liệu bị thu giữ để phục vụ điều tra.

Huy, Hà, Cường từ trái qua tại cơ quan công an.

Sáng 2/8, một lãnh đạo Cục C50 cho VnExpress biết, Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm cùng C50 đang chỉ đạo công an nhiều địa phương khẩn trương làm rõ các sai phạm trong hoạt động kinh doanh của MB24. "Ước tính chỉ sau một năm hoạt động, MB24 đã có mặt ở hàng chục tỉnh, thành. Các hội viên phải nộp số tiền lên đến 700 tỷ đồng", nguồn tin nói.

Ngày 1/8, tình nghi chi nhánh MB24 ở Thanh Hóa có hành vi trốn thuế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập, làm việc với Giám đốc, Phó giám đốc ở đây.

Theo lịch làm việc của MB24 chi nhánh Phú Thọ, đến ngày 5/8 họ vẫn còn có những buổi chia sẻ dự án. Ảnh: Thái Thịnh.
Theo lịch làm việc của MB24 chi nhánh Phú Thọ, đến ngày 5/8 họ vẫn còn có những buổi chia sẻ dự án. Ảnh: Thái Thịnh.

Đêm 31/7, Công an tỉnh Phú Thọ cũng bắt Trương Đình Tuấn (37 tuổi, Giám đốc chi nhánh Phú Thọ của MB24) cùng Đặng Trung Dũng (36 tuổi, Phó giám đốc chi nhánh) và bà Nguyễn Ngọc Lan (47 tuổi, Phó giám đốc MB24) để điều tra hành vi trốn thuế.

Đại tá Nguyễn Văn Viễn (Trưởng phòng PX15 Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết, đến ngày 27/7, trên mạng của chi nhánh có gần 15.000 gian hàng ảo với số tiền chừng 77 tỷ đồng. Trong đó, riêng gian hàng ảo ở thành phố Việt Trì gần 5.800, với số tiền gần 29 tỷ đồng.

Công an Phú Thọ nghi ngờ, chi nhánh này khai khống doanh số bán hàng hoặc không kê khai gây thất thoát gần 3 tỷ đồng tiền thuế. Đại tá Viễn cho hay, sau một đêm bị bắt, giám đốc Tuấn thừa nhận được công ty cho hưởng 1,4 tỷ đồng, còn Dũng nhận 320 triệu đồng.

Nhiều thành viên của Muaban24 phản ánh, để mua một gian hàng ảo họ phải đóng 5,2 triệu đồng. Với việc giới thiệu được người mới gia nhập, họ được hưởng 1,5 triệu đồng tiền hoa hồng. Cứ như vậy, theo mô hình cây, thành viên tại đó được hứa hẹn cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

Tính toán theo cách của MB24, khi một thành viên đạt đến cấp VIP thì thu nhập mỗi tháng có thể lên tới 100 triệu đồng, con số không ít người mơ ước. Đây cũng là nguyên nhân khiến những lời hứa hẹn đưa ra trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều người không biết gì về thương mại điện tử, chưa một lần dùng máy tính, cũng vay mượn, thế chấp tài sản để mua một, thậm chí hàng chục gian hàng của MB24. Hàng trăm nông dân Đắk Lắk nguy cơ vỡ nợ vì mua gian hàng rồi mà không thể buôn bán trên đó, cũng không lôi kéo được người khác tham gia, trả lại gian hàng và đòi tiền MB24 cũng không được.

Trao đổi với VnExpress.net ít ngày trước khi bị cơ quan công an ra lệnh bắt, cả ông Ngô Văn Huy (Chủ tịch HĐQT) và ông Lê Văn Cường (Phó chủ tịch HĐQT) một mực khẳng định Muaban24 làm những việc pháp luật không cấm, công ty chỉ thu phí thẻ thành viên 240.000 đồng, chứ không thu phí hội viên mở gian hàng 5,2 triệu đồng. Số tiền 5,2 triệu đồng này, theo hai lãnh đạo công ty, được các hội viên cấp dưới nộp trực tiếp cho người cấp trên giới thiệu mình, và quay vòng trong hệ thống để trả thưởng.

Điều 226b Bộ luật hình sự: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thái Thịnh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,557

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn