Ngày 19/6, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sẽ xử phúc thẩm lần 2 đối với bị cáo Lê Bá Mai (30 tuổi) trong vụ án Hiếp dâm trẻ em và Giết người được cho là gây rúng động tại Bình Phước 8 năm trước.
Sau 2 lần bị tuyên án tử rồi trắng án và thả tự do hồi tháng 5/2011, mới đây Mai đã bị Công an tỉnh Bình Phước bắt lại để đảm bảo cho việc xét xử phúc thẩm và thi hành án. Sự việc kéo dài với nhiều lần ra tòa và trả hồ sơ điều tra bổ sung, song đến nay vẫn chưa rõ trắng đen, chưa xác định được kẻ thủ ác khiến cả gia đình nạn nhân và bị cáo đều mệt mỏi.
Bị cáo Mai tại phiên tòa. Ảnh: Vũ Mai. |
Giọng uể oải, ông Lê Bá Triệu - bố của bị cáo Mai cho biết, từ ngày con ông vướng vào vòng lao lý, gia đình phải bán hết đất đai kể cả ở ngoài quê (miền Bắc) để lấy tiền đi lại. Tinh thần sức khỏe của mọi người trong gia đình sa sút, không làm ăn được gì, chỉ biết làm thuê kiếm sống ở các trang trại đồn điền.
Dù rất đau lòng nhưng ông cũng mong muốn sự việc sớm được làm rõ để mọi người ổn định cuộc sống. Gia đình ông đã gửi đơn yêu cầu cơ quan pháp luật sớm có quyết định cuối cùng về số phận con trai mình. Không lâu sau lá đơn gửi Tòa Phúc thẩm, Công an Bình Phước đã đến nhà bắt Mai để phục vụ cho xét xử.
"Đã biết trước sự việc nhưng vợ chồng tôi chết đứng khi công an ập vào nhà bắt nó đi. Từ ngày đó đến nay, mẹ thằng Mai chẳng ăn uống được gì, suốt ngày ủ rũ buồn chán dẫn đến suy nhược cơ thể. Thấy bà ấy càng ngày càng yếu nên tôi phải đưa xuống bệnh viện ở Bình Dương để cho con gái tiện chăm sóc”, ông Triệu buồn bã nói.
Mai và người thân sau lần được tuyên thả tự do. Ảnh: Vũ Mai. |
Ông Triệu cũng chia sẻ, Mai là đứa con trai duy nhất và đã lớn tuổi nên gia đình cũng tính chuyện mai mối kiếm một đám ở gần nhà để bàn chuyện cưới xin. Ngày Mai được trả tự do và xuống chỗ người em chơi cũng gặp được một cô công nhân tâm đầu ý hợp. Gia đình định vun vén vào nhưng rồi mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu, số phận pháp lý của Mai vẫn chưa rõ ràng nên lại thôi.
Là nông dân chân chất, ít hiểu biết pháp luật nhưng với niềm tin của một người cha, ông một mực khẳng định "con trai mình không bao giờ làm chuyện bất nhân đó". Thâm tâm ông luôn tin tưởng con mình vô tội và mong sớm được trở về để yên bề gia thất.
Còn gia đình nạn nhân, sau nhiều năm chờ đợi công lý đến nay vẫn chưa biết được kẻ giết hại con gái mình là ai. Tám năm dài đằng đẳng cũng khiến nỗi đau mất con của họ dần nguôi ngoai. Giờ đây, khi được hỏi về mong muốn trong phiên tòa sắp tới, họ bày tỏ "không còn quan tâm đến việc kẻ hãm hại con mình sẽ bị pháp luật trừng trị thế nào mà chỉ mong lấy được khoản tiền bồi thường".
"Chuyện đã quá lâu rồi, chúng tôi cũng không biết sao nữa. Tòa gọi đi thì cứ đi, còn việc xử lý Mai là chuyện của pháp luật. Quan trọng là lấy được tiền bồi thường để chúng tôi lo cuộc sống", ông Điểu Cẩn, cha của bé gái xấu số thật thà.
Ông Cẩn cho biết, gia đình ông là người dân tộc thiểu số không được ăn học nhiều, hoàn cảnh khó khăn quanh năm phải làm thuê cuốc mướn ở xã An Khương (Bình Phước). Bé Út - người bị hại trong vụ án là con thứ 6 trong gia đình có 8 người con. Cũng vì quá nghèo nên hai người anh của Út đã qua đời khi còn rất nhỏ trong một lần đi chăn bò.
Út phải đi làm thuê cuốc mướn hằng ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 10 tuổi cô bé sang ở nhà cậu ruột. Hàng ngày, sau mỗi buổi học, Út thường cùng em họ là Hằng đi mót củ sắn về bán kiếm tiền.
Trong một lần đi mót sắn cùng với bé Hằng vào tháng 11/2004, Út bỗng dưng mất tích không thấy về nhà. Khi gia đình chạy đi tìm thì được Hằng kể lại sự việc Út bị Mai dẫn đi. Rồi cả gia đình kéo đến nhà Mai hỏi nhưng người này nói không biết gì. Ngay sau đó, gia đình ông Cẩn trình báo công an và nhận được tin cô con gái bị người ta hãm hiếp rồi giết chết.
Cha của bị hại cho biết, khi nghe tin con gái bị hãm hại, vì quá bức xúc nên gia đình đã kéo đến nhà Mai chửi bới đòi trả lại con. Ông cho rằng chỉ có Mai là hung thủ gây ra vụ án này vì trước đó cô cháu gái nhìn thấy người thanh niên này chở Út đi. Sau đó, Mai cũng bị công an xã An Khương bắt để điều tra vụ án.
Khi Mai bị đưa ra xét xử, gia đình bị hại yêu cầu cơ quan chức năng xử mức án cao nhất đồng thời phải đền bù tổn thất vật chất và tinh thần cho nạn nhân. Tuy nhiên sau nhiều phiên xử, tòa án vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng và gia đình nạn nhân cũng chưa nhận được khoản tiền bồi thường nào.
Theo hồ sơ vụ án, Mai làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân (xã An Khương, huyện Hớn Quản). Sáng 11/12/2004, trong lúc đang rải phân cho cây trồng, Mai phát hiện bé Út (11 tuổi) và Hằng (13 tuổi) đi mót củ sắn liền nảy sinh tà ý. Mai lấy xe máy đến rủ riêng Út đến khu vườn mít cách đó khoảng 80m. Bị nạn nhân chống trả, Mai đánh Út đến bất tỉnh rồi thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó, Mai lấy quần của chính bé gái xiết cổ em đến chết. Hung thủ sau đó mang xác nạn nhân vùi gần một cây mít rồi trở về chòi đi tắm và ăn cơm. Biết Út lên xe đi cùng Mai, Hằng đuổi theo nhưng không kịp nên về quay về báo cho người thân. Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo mức án tử hình cho cả hai tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM sau đó cũng giữ nguyên bản án này. Sau hai phiên xử, Mai liên tục kêu oan và cho rằng, bị cơ quan điều tra ép cung nên mới nhận tội. Ngày 12/12/2006, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm, đánh giá cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Mai là "chưa có căn cứ vững chắc" và yêu cầu làm rõ một số vấn đề. Hai tháng sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án để điều tra lại vì "có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ". Tháng 5/2011, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Bình Phước cho rằng không đủ chứng cứ buộc tội Lê Bá Mai nên đã tuyên bị cáo vô tội, trả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên, không lâu sau, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã kháng nghị, yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử lại theo hướng buộc tội đối với bị cáo. Theo quan điểm của cơ quan công tố, "dựa vào những chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở kết luận Mai phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người. Trong vụ án mặc dù có một số sai sót về tố tụng nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình giải quyết". |
Hải Duyên - Chế Bắc