25/05/2012 08:16 AM

TT - Vinashin và Vinalines là hai từ được các đại biểu Quốc hội đề cập khá nhiều tại phiên thảo luận tổ sáng 24-5 về tình hình kinh tế - xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên

Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên - phó tư lệnh Quân chủng hải quân - nêu vấn đề: “Trước đây Vinashin đổ vỡ, nay đến lượt Vinalines. Tại sao với những tập đoàn được đầu tư lớn mà Chính phủ kiểm soát lỏng như thế? Thời gian Đại hội XI, người dân nói rất nhiều, bức xúc trước vụ việc xảy ra ở Vinashin, bây giờ đến Vinalines thì ăn nói thế nào với người dân?”.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) khẳng định đây là vấn đề đang được nhân dân rất quan tâm. “Vinashin đổ, chuyển một phần sang Vinalines, bây giờ Vinalines cũng đổ bể. Nạn tham nhũng ngày càng phức tạp, trước đây có PMU 18, bây giờ tôi nghĩ sẽ có thêm những PMU 19, 20...”.

Sẽ chất vấn bộ trưởng Bộ GTVT về Vinalines

"Hết Vinashin đến Vinalines đổ, ăn nói thế nào với nhân dân?"

Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên(phó tư lệnh Quân chủng hải quân)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, sở dĩ để xảy ra tình trạng như vậy là do những bất cập, yếu kém không được mổ xẻ, khắc phục một cách nghiêm khắc. Trước đây trung ương chủ trương chỉ cho thí điểm mô hình tập đoàn, nhưng hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước lần lượt ra đời.

Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Phan Đình Trạc đặt câu hỏi: kỷ luật, kỷ cương hành chính như thế nào mà trong thời điểm Thanh tra Chính phủ sắp công bố kết luận thanh tra thì lãnh đạo Vinalines vẫn được đề bạt?

Tìm cách lý giải câu hỏi của ông Trạc, Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: “Cơ quan quản lý nhà nước của Vinalines (Bộ GTVT) không thể nói là không biết những sai phạm của Vinalines trước khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Vì kết luận cuối cùng của quá trình thanh tra bao giờ cũng được trao đổi với lãnh đạo và cho giải trình. Chưa kể trước đó doanh nghiệp bị thanh tra cũng được trao đổi, làm việc rất nhiều lần. Tới khi nào không giải trình được thì thanh tra mới kết luận. Do đó, đừng lấy ngày có kết luận chính thức thanh tra có sau ngày bổ nhiệm để nói rằng không biết vụ việc. Tôi cho rằng đó là sự chống chế, không thuyết phục. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phải giải trình trước Quốc hội về vấn đề này và chắc chắn nhiều đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn bộ trưởng để làm rõ việc này”.

Vay cũng chết, không vay cũng chết

“Hàng hóa sản xuất ra không bán được, lãi suất lại cao nên doanh nghiệp vay cũng chết mà không vay cũng chết” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói. Theo ông Thanh, vừa qua có thông tin hạ lãi suất cho vay (áp trần lãi vay 15%/năm đối với một số lĩnh vực - PV) nhưng nói vậy thôi chứ doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó. Ngân hàng phải tìm mọi cách để huy động vốn bằng nhiều hình thức tặng thưởng nên lãi suất huy động bị nâng lên, từ đó lãi suất cho vay cũng phải 17-18%/năm.

Với quy mô của nền kinh tế VN mà trước đây cho ra đời hàng trăm tổ chức tín dụng là bất bình thường, hiện nay đặt vấn đề tái cơ cấu kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng nhưng không rõ lộ trình thực hiện như thế nào. Đó là ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền. “Trong khi doanh nghiệp sống dở chết dở thì các ngân hàng vẫn sống khỏe. Cần kiểm điểm xem có lợi ích nhóm không? Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra thế nào? Nhiều doanh nghiệp phản ảnh lãi suất có hạ đâu?” - ông Quyền nói. Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng cho rằng: “Cần nhanh chóng sắp xếp lại các ngân hàng thương mại yếu kém thì mới có điều kiện xử lý được lãi suất”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ lo ngại về tình trạng đầu tư công, chi tiêu công lãng phí dường như chưa được khắc phục. Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên, phó tư lệnh Quân chủng hải quân, nói rằng lấy ví dụ về lãng phí không cần đi đâu xa, chỉ đứng ở sảnh hội trường Bộ Quốc phòng nhìn bãi xe của các đại biểu Quốc hội đi họp thì thấy rõ. “Đất nước nghèo, nhưng cán bộ nào cũng muốn có xe riêng, mà xe phải xịn” - tướng Nhiên nói.

Theo chương trình, ngày 25-5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, phiên làm việc này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Đất đai: luật không sai mà tổ chức thực hiện sai

Đề cập vấn đề khiếu kiện đông người mà chiếm khoảng 70% liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Điều này thể hiện chúng ta quản lý chưa tốt nguồn lực đất đai, chứ không phải đường lối hay pháp luật có sai lầm. Vừa rồi xảy ra vụ Tiên Lãng, Văn Giang... có người đặt vấn đề hay là Luật đất đai của chúng ta sai? Luật không sai mà tổ chức thực hiện sai, dẫn đến khiếu kiện đông người và ngày càng gay gắt. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ dẫn đến ảnh hưởng uy tín của chính quyền. Có lúc công an phải đối mặt với dân, thậm chí đưa cả quân đội ra như trong vụ Tiên Lãng”.

Theo ông Son, những dự án có thu hồi đất mà chỉ đơn thuần phát triển kinh tế tư nhân thì phải được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân, không thể dùng lực lượng công an đối mặt với người dân dẫn đến bức xúc xã hội.

V.V.THÀNH - L.KIÊN - V.SỰ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,843

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn