Một số quy định mới về chứng thực có hiệu lực từ 20/4/2020

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
20/04/2020 08:45 AM

Từ ngày 20/4/2020, Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch có hiệu lực thi hành.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Theo đó, có một số điểm mới về chứng thực bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Cụ thể như sau: 

1. 04 trường hợp được chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền

Theo đó, việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

- Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

- Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

- Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân

Cụ thể, việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân được quy định như sau:

- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

- Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.

 - Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

3. Bổ sung cách ghi số chứng thực chữ ký và số chứng thực hợp đồng, cụ thể: 

- Số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực;

- Số chứng thực hợp đồng được ghi theo từng việc; không lấy số theo lượt người yêu cầu hoặc theo số bản hợp đồng

4. 07 mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận một cửa áp dụng từ 20/4/2020

File word 07 mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch
tại bộ phận một cửa

Theo đó, 07 mẫu lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gồm: 

- Lời chứng chứng thực hợp đồng

- Lời chứng chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản

- Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp một người khai nhận di sản)

- Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản)

- Lời chứng chứng thực di chúc

- Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp một người từ chối nhận di sản)

- Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản).

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 57,530

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn