12/08/2011 08:17 AM

Lẽ thường khi người chết để lại di sản thì sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đằng này, trong một vụ án "tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất", qua nhiều lần, nhiều cấp xét xử, cuối cùng TAND TP Hồ Chí Minh đã ra phán quyết lấy tài sản của người đang quản lý, sử dụng hợp pháp để chia cho… người chết!

Bản án đã có hiệu lực pháp luật, không biết người chết có "ngậm cười nơi chín suối" hay không, chứ người sống thì phải ngậm ngùi, đau xót khi mất đi phần đất nông nghiệp mà mình đã vất vả khai hoang, làm lụng đầu tắt mặt tối hàng chục năm ròng để nuôi các con ăn học thành tài…

Từ bản án oái oăm

Theo hồ sơ vụ án và Bản án dân sự phúc thẩm số 658/2010/DSPT ngày 17/6/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh (y án sơ thẩm số 50/2010/DSST ngày 2/3/2010 của TAND huyện Củ Chi) do thẩm phán Đỗ Thị Thu Hương làm chủ tọa thì cách đây 64 năm, tức vào năm 1947, ông Đỗ Văn Cấu (SN 1927) và bà Châu Thị Diệu (SN 1928, mất năm 2002) sống với nhau như vợ chồng tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Họ có với nhau 7 người con nhưng 6 người đã chết lúc còn nhỏ, chỉ còn lại bà Đỗ Thị Dung.

Năm 1960, hai người chia tay. Ông Cấu có vợ mới là bà Nguyễn Thị Tư, sinh ra một con chung là bà Nguyễn Thị Lệ. Bà Diệu cũng "đi thêm bước nữa" và theo chồng sau đến sống tại tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1979, ông Cấu lấy vợ thứ 3 là bà Phùng Thị Ê (sinh 4 người con) và sống với nhau cho đến khi ông Cấu qua đời vào năm 1993. Do ông Cấu chết không để lại di chúc nên bà Đỗ Thị Dung, bà Nguyễn Thị Tư và bà Nguyễn Thị Lệ cùng đứng đơn khởi kiện đòi chia di sản mà ông Cấu để lại. Di sản ở đây được tòa xác định là phần đất do gia tộc ông Cấu để lại có diện tích gần 20.000m2 (gồm đất vườn và đất trồng lúa) do bà Phùng Thị Ê đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện Củ Chi cấp vào năm 2000.

Tòa nhận định và chia tài sản như thế này: Do bà Diệu và bà Tư đã chung sống với ông Cấu trước năm 1977 (thời điểm Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 chưa áp dụng cho miền Nam) nên tòa công nhận họ là vợ chồng và là hàng thừa kế thứ nhất của ông Cấu. Còn bà Ê sống với ông Cấu sau năm 1977 nên không được công nhận vợ chồng. Do đó bà Ê không được hưởng thừa kế. Nhưng xét bà Ê có quá trình canh tác, giữ gìn đất nên tòa xét cho bà Ê được hưởng một phần công sức bằng với một suất thừa kế như những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là vợ và tất cả các con của ông Cấu.

Tuy nhiên, trước khi chia phần di sản này, tòa cho rằng, do ông Cấu và bà Diệu là vợ chồng nên tài sản thì phải "cưa đôi". Do vậy, tòa "cắt" 1/2 di sản chia cho bà Diệu trước, còn lại thì chia đều cho các đồng thừa kế. Nhưng hiện nay bà Diệu đã qua đời nên tài sản này tòa giao cho bà Dung! Còn bà Tư cũng được tòa công nhận là vợ chồng nhưng bà Tư thì không được chia do tòa bảo bà Tư không có công đóng góp, gìn giữ, tu bổ vào khối tài sản chung.

Khu đất mà tòa chia cho... người chết!

Đến sự thật đắng lòng

Mặc dù bản án đã có cách đây hơn một năm nhưng mỗi khi nhắc lại, bà Ê không kiềm được nước mắt. Bà khóc thì ít mà giận thì nhiều vì bản án quá bất công đối với bà và các con. Bà kể, sinh thời ông Cấu làm nghề tài xế xe buýt, ông đi suốt ngày nên bà quán xuyến mọi chuyện trong gia đình. Khi ông Cấu qua đời, người lao động chính không còn, các con thì nhỏ dại, bà phải khai hoang gần 20.000m2 đất (do gia tộc ông Cấu để lại) để trồng rau, trồng lúa nuôi con. Xét bà canh tác phần đất này trước khi có Luật Đất đai năm 1993, sử dụng và đóng thuế liên tục, đầy đủ nên năm 2000 Nhà nước đã xem xét cấp giấy chứng nhận cho bà. Vậy mà…

Bà Ê chua xót nói tiếp: "Lúc ông Cấu còn sống và ngay cả khi ông Cấu vừa chết, những người này ở đâu mà không đến để đòi chia tài sản. Bây giờ, hàng chục năm sau, họ như từ trên trời rơi xuống, tự nhận là vợ, là con ông Cấu rồi đòi chia tài sản, vậy mà tòa cũng chấp nhận".

Để chứng minh lý lẽ này, bà đã làm đơn xin xác nhận và được Công an huyện Củ Chi xác nhận, trong bản khai nhân khẩu của bà Nguyễn Thị Tư từ trước đến nay không có khai ông Đỗ Văn Cấu là chồng và trong bản khai của bà Nguyện Thị Lệ hoàn toàn không có cha là Đỗ Văn Cấu, kể cả trong giấy khai sinh cũng vậy. Còn đối với bà Châu Thị Diệu, theo xác nhận của UBND xã Bảo Bình (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), nơi bà Diệu cư trú thì trước năm 1975, bà Diệu là vợ của ông Hồ Tố và sống với nhau cho đến ngày cả hai qua đời.

Riêng bà Đỗ Thị Dung thì chẳng có giấy khai sinh, chẳng có bất cứ giấy tờ nào chứng minh là con của ông Cấu. Lý lẽ duy nhất mà tòa lấy đó làm căn cứ xác nhận bà Diệu, bà Tư, bà Dung, bà Lệ là vợ, là con của ông Cấu chỉ từ lời khai của một người thân ông Cấu và… vài hàng xóm láng giềng! Còn giấy tờ mang tính pháp lý của bà Ê đưa ra thì đều bị bác bỏ vì "không có cơ sở"!? Mặt khác, nếu trên thực tế có việc ông Cấu sống với bà Diệu như vợ chồng thì họ cũng đã chấm dứt mối quan hệ này từ năm 1960.

Hàng chục năm qua, bà Diệu đã là vợ của ông Hồ Tố, có con cái chung và được pháp luật thừa nhận. Bây giờ tòa lại tiếp tục thừa nhận bà Diệu là vợ của ông Cấu thì chẳng lẽ pháp luật lại công nhận một người có hai chồng đều hợp pháp? Họ đã chấm dứt quan hệ vợ chồng cách đây hơn 40 năm và hiện tại cả hai cũng đã nằm sâu dưới ba tấc đất thì còn công nhận họ là vợ là chồng để làm gì?

Tương tự là trường hợp bà Tư cũng đã chia tay ông Cấu trước khi ông Cấu về chung sống với bà Ê, tính đến nay cũng đã hơn 30 năm rồi, còn gì nữa đâu mà "tình chồng nghĩa vợ"? Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì việc bà Ê sống như vợ chồng với ông Cấu từ năm 1979, tức trước khi Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 có hiệu lực thì họ phải được công nhận là hôn nhân thực tế mới thấu tình đạt lý.

Hiện tại, bà Phùng Thị Ê đã gửi đơn đến TAND, VKSND Tối cao để đề nghị xem xét kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật

M.T.Phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,389

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn