02/03/2012 10:15 AM

Trong gần 70 vụ ghi nhận được trên khắp cả nước thời gian qua, cháy khi đang đi là tình trạng phổ biến nhất, chiếm tới 64%. Số còn lại là những vụ để trong nhà, đổ xe dẫn tới cháy.

41 trên tổng số 66 vụ xe cháy xảy ra khi xe chạy đi bình thường. 12 trường hợp xe ở trạng thái dừng tắt máy. 6 vụ khi phương tiện bị va chạm. 6 vụ còn lại chia đều cho 2 tình huống người sử dụng khởi động xe hoặc vừa tắt máy.

Cháy khi đang đi

Hầu hết các vụ cháy khi xe đang vận hành đều có dấu hiệu giống nhau là khói xuất hiện, sau đó ngọn lửa bốc lên. Với xe máy tay ga, khói thường bắt nguồn từ dưới cốp hoặc gầm nên chủ nhân gần như không hay biết cho tới khi có người báo. Còn ôtô thì phần lớn khói bốc lên từ nắp ca-pô. Nếu được phát hiện sớm có thể hạn chế phần nào thiệt hại.

Chiếm tỷ lệ cao nên kiểu cháy này cũng đứng đầu về những nguyên nhân có thể liên quan. Một trong những thủ phạm bị nghi ngờ nhiều nhất là xăng. Xăng kém chất lượng, pha tạp chất làm lão hóa hệ thống cấp nhiên liệu, gây rò rỉ. Khi xăng lọt ra ngoài, bốc hơi rồi gặp nguồn nhiệt cao từ động cơ sẽ gây cháy.

cháy xe

Nghe có người bảo xe đang cháy, anh Nguyễn Quốc Minh hốt hoảng bỏ xe bế con chạy.

Những dòng xe tay ga cháy nhiều trong thời gian qua như Honda Air Blade, SYM Attila, Yamaha Luvias, Piaggio LX càng củng cố thêm giả thiết này. Xe tay ga hiện đại thường có động cơ đặt phía sau, cốp bao kín nên thông gió kém. Khi nhiên liệu rò rỉ dễ tạo thành hỗn hợp đủ giàu để bốc cháy.

Ngoài nguyên nhân xăng thì chập điện được đánh giá là yếu tố đứng thứ hai. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa nhận định xe mới hay cũ đều có nguy cơ cháy khi hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống dây điện, tiếp điểm, rơ le, sạc ác quy có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt.

Ít kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới cháy. Xe ga đời mới thường làm mát bằng chất lỏng. Khi chất làm mát hết mà không được bổ sung, động cơ nóng sẽ làm chảy nhựa, làm nứt đường ống xăng và gây cháy.

Một nghi ngờ có cở sở nữa là chất lượng sản phẩm ban đầu đã không tốt, hư hại trong quá trình sử dụng. Anh Thái Minh Tuấn, Giám đốc công ty Microtech (TP HCM) lại kể lại một sự việc xảy ra với bản thân, trong một lần vô tình dựng xe, anh phát hiện ra ống dẫn xăng bị gẫy tại đầu nối với lọc xăng. Xăng chảy thành giọt chảy ra ngoài. Nếu xe chạy nóng hoặc gần đó có nguồn nhiệt cao thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Cháy khi đang đỗ trong nhà

Đây là trường hợp gần như không có cơ may cứu chữa bởi khi phát hiện ra thì ngọn lửa đã rất to. Điển hình nhất là chiếc Honda Civic bị cháy ngày 25/2 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Chiếc xe chỉ sau thời gian ngắn chỉ còn trơ khung. Trước đó chiếc Mazda cũ để nhà trong nhà ở thành phố Thanh Hóa cũng bốc cháy ngùn ngụt. Không chỉ ôtô, tại Bắc Ninh hai chiếc xe để trong nhà vào đêm 22/12/2011 bỗng nhiên bốc cháy, chỉ còn trơ lại khung.

Theo một chuyên gia làm việc tại liên doanh xe hơi thì gần như tất cả các trường hợp đang đỗ trong nhà mà cháy có nguyên nhân từ chập điện, ngoại trừ do con người tác động với động cơ xấu. Trước khi chiếc Honda Civic cháy, chủ nhân có ngửi thấy mùi khét, ôtô sáng đèn nhưng không tắt được, mùi khét bốc ra nồng nặc. Ngày 1/3, công an tỉnh Khánh Hòa cho biết xe cháy là do chập điện. Trường hợp Mazda bốc hỏa cũng do chủ nhân đề nhiều lần không được.

Rạng sáng 22/12, khi đang ngủ, anh Thụng được hàng xóm thông báo lửa phát ra từ nhà ngang của gia đình. Tỉnh dậy, gia đình thấy 2 chiếc xe máy bốc cháy nghi ngút.

Khi đỗ xe, hệ thống cấp nhiên liệu ngừng hoạt động nên rất khó trở thành tác nhân. Trong khi đó điện từ ắc-quy vẫn còn được dùng cho các bộ phận của xe như điều khiển trung tâm, củ đề, khóa điện, đồng hồ. Nếu chủ nhân quên tắt đèn pha, đèn xi-nhan thì nguy cơ còn cao hơn. Hệ thống điện trên xe máy thường nối mát thân (cực âm của bình điện nối ra khung). Nếu dây dương hở lõi chạm mát, chập điện xuất hiện. Nhiệt nóng làm chảy, thậm chí cháy cả vỏ cách điện.

Cháy sau khi ngã xe, tai nạn

Chiều ngày 27/1, một chiếc Nouvo bốc cháy ngùn ngụt tại Nghệ An. Sau đó Phòng kỹ thuật hình sự (Công an Nghệ An) khẳng định, chiếc Nouvo cháy do chủ xe bất cẩn khi đổ xăng quên không đậy nắp bình. Khi ngã, xăng đổ ra ngoài, các bộ phận kim loại của xe ma sát với mặt đường tạo ra tia lửa đốt cháy xe.

Khi bị đổ hoặc xảy ra va chạm, các bộ phần trên xe có thể bị xê dịch, đứt dây, thủng vỏ cách điện, thậm chí trong một số tình huống tia lửa cũng có thể xuất hiện khi hai chi tiết kim loại va đập vào nhau, kết hợp với xăng rò rỉ từ đường ống nhiên liệu thì nguy cơ cháy nổ tăng lên rất cao.

Chị Diệu Hiền, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội kể mới vài ngày trước chiếc Honda SCR của chị bị ôtô đâm ngang, xe vỡ yếm. Chị yêu cầu tài xế mang xe đi sửa. Khi thợ sửa vừa bật khóa điện, xăng phun ra ngoài do dây xăng đã bị đứt. Nếu không có sự may mắn này mà tiếp tục đi tiếp, rất có thể chị đã có mặt trong danh sách nạn nhân cháy xe.

Thực tế không hiếm gặp những tình huống va chạm, chủ xe bỏ qua bước kiểm tra hư hỏng, vẫn cố tình vận hành xe mà không biết rằng xe đang có nguy cơ cháy nổ cao vì ống dẫn xăng bị hỏng, hệ thống điện đang bị đoản mạch...

Thế Hoàng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,446

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn