01/03/2012 14:09 PM

“Việc truyền hình trực tiếp chất vấn tại Quốc hội lúc đầu rất khó khăn, người ta cũng đặt vấn đề lộ bí mật quốc gia, mất uy tín lãnh đạo nhưng đến giờ không ai nhắc lại chuyện đó nữa”, ông Vũ Mão, từng là ủy viên trung ương 5 khóa, trao đổi với VnExpress.

- Không phải tới Hội nghị trung ương 4 mà việc chất vấn trong Đảng đã được nhắc tới từ nhiều năm qua. Vì sao tới giờ vẫn chưa thực hiện được, thưa ông?

- Trong quá trình hơn 80 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam chưa từng có tiền lệ về chất vấn trong Đảng. Song, với hoàn cảnh hiện nay, tôi tin rằng đây là bước tiến rất quan trọng, có tính đột phá trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng ngày càng vững mạnh.

Chủ trương chất vấn trong Đảng đã có 4 năm nay, thể hiện qua Quyết định và Quy chế của Bộ Chính trị. Việc chưa thực hiện được có nhiều nguyên nhân. Một là về mặt tâm lý còn e ngại, chưa sẵn sàng. Hai là các quy định chưa cụ thể. Ba là chưa chỉ đạo quyết liệt. Theo tôi, cần phải nâng từ Quyết định và Quy chế của Bộ Chính trị thành Nghị quyết và Quy chế của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trước khi thông qua thì lấy ý kiến rộng rãi trong các cấp ủy, đăng trên báo cho người dân tham gia ý kiến.

- Nếu thực hiện, theo ông nên công khai việc chất vấn trong Đảng tới đâu?

- Ở Quốc hội, việc chất vấn và trả lời chất vấn đã truyền hình, phát thanh trực tiếp nhiều năm. Đến nay đã khẳng định việc làm trên là đúng và được nhân dân đồng tình vì tính công khai, minh bạch. Theo tôi, việc chất vấn trong Đảng cần làm ngay và sau một thời gian sẽ tiến tới truyền hình trực tiếp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được biết. Làm được như vậy sẽ rất có lợi cho uy tín của Đảng.

Cũng có người nghi ngại, làm như vậy chẳng hóa ra bây giờ Đảng bị dân giám sát, Đảng phải báo cáo trước dân? Tôi cho rằng, nhân dân giám sát thì tốt quá chứ sao. Vì Đảng lãnh đạo dân, Đảng lãnh đạo toàn xã hội, Đảng có quyền rất to thì Đảng phải có trách nhiệm báo cáo trước dân. Bác Hồ nói, cán bộ, đảng viên của Đảng ta là công bộc của dân thì tại sao chúng ta không cho dân biết những việc chúng ta làm? Tất nhiên, phải có bước đi, cũng như ở Quốc hội, lúc đầu rất khó khăn, người ta cũng đặt vấn đề là lộ bí mật quốc gia, mất uy tín lãnh đạo nhưng đến bây giờ không ai nhắc lại chuyện đó nữa.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Vũ Mão. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Tiến hành chất vấn trong Đảng sẽ không tránh khỏi tình huống cán bộ cấp dưới trực tiếp chất vấn cấp trên. Vậy làm sao để tránh tính hình thức và tâm lý e ngại?

"Trong các nước xã hội chủ nghĩa chưa từng có, nhưng trong đảng cộng sản của các nước tư bản, trong hệ thống đa đảng thì có chất vấn. Đảng ta là đảng dày dạn kinh nghiệm, đi tiên phong trong phong trào cộng sản quốc tế, nếu làm được việc này sẽ nêu được tấm gương, mô hình, bài học kinh nghiệm rất tốt cho quốc tế", ông Vũ Mão nói.
- Ở Quốc hội, hoạt động chất vấn lúc đầu rất có yếu tố tâm lý. Sau này, qua quá trình vận động, trao đổi, nhận thức đầy đủ hơn thì vượt lên được. Điểm khác nữa là một đại biểu Quốc hội ở địa phương, ở cơ sở, hoặc người ngoài Đảng, không bị ràng buộc chức quyền thì người ta có thể nói thẳng thắn, mạnh dạn chất vấn bộ trưởng. Ông bộ trưởng cũng không làm hại gì được cô giáo viên ở tỉnh kia vì thế nên việc chất vấn không bị quá khiên cưỡng.

Trong Đảng thì có phần hơi khác, ví dụ cùng là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, phần lớn là quen biết nhau, nhiều đồng chí sâu nặng nghĩa tình anh em đồng đội, hàng ngày gặp nhau, bắt tay nhau chẳng nhẽ bây giờ chất vấn? Mà trả lời chất vấn mình chưa chấp nhận được thì chẳng lẽ chất vấn nữa, như thế có căng thẳng quá không? Về mặt tâm lý, chất vấn ủy viên Bộ Chính trị, chất vấn Tổng bí thư khó lắm. Cho nên yếu tố tâm lý ở đây hoàn toàn đúng và quan trọng. Vậy làm gì để người ta vượt được yếu tố tâm lý này?

Giải pháp thứ nhất, trong Quy chế phải ghi rõ, trước khi về dự hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng, mỗi đồng chí ủy viên Trung ương phải lấy ý kiến cán bộ đảng viên, quần chúng nơi mình công tác. Nếu là bí thư tỉnh ủy thì phải lấy ý kiến trong cấp ủy, thậm chí phải xuống một vài cơ sở tiếp xúc với quần chúng. Nếu đồng chí ủy viên Trung ương là bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cũng làm tương tự. Như vậy, bao giờ đồng chí cũng có một bản kiến nghị của đảng viên và công dân trong phạm vi liên quan tới đồng chí để mang về họp Trung ương. Trên cơ sở đó, đồng chí chọn ra vấn đề để chất vấn. Lúc đó một phần yếu tố tâm lý sẽ giải quyết được, tức là tôi không chất vấn theo ý kiến cá nhân mà là tập hợp ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của đảng viên, của cử tri nơi tôi công tác.

Thứ hai, trong Quy chế, cần quy định ủy viên Trung ương mỗi năm phải chất vấn ít nhất một lần. Năm năm trong nhiệm kỳ có 5 lần gửi chất vấn. Nếu không làm tức là có khuyết điểm, không sâu sát, không làm tròn trách nhiệm của ủy viên Trung ương. Cứ gửi chất vấn, sau đó nếu Trung ương coi đây là nội dung quan trọng, thể hiện tính chiến đấu của Đảng thì sắp xếp 1-2 ngày để tổ chức chất vấn và trả lời.

Thứ ba, như tôi đã nói, nên từng bước công khai và tiến tới truyền hình trực tiếp. Mở rộng từng bước một như Quốc hội. Tôi tin là làm vậy hiệu quả sẽ cao hơn và được nhân dân đồng tình.

- Bên cạnh chất vấn, Nghị quyết trung ương 4 cũng nhắc đến quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Ông bình luận gì về điểm mới này?

- Đây là thể hiện sự quyết tâm của Đảng, nhưng khi suy nghĩ sâu và hình dung tới quy trình và thủ tục để làm thì tôi thấy nên cân nhắc kỹ. Theo tôi, trong nhiệm kỳ 5 năm, chỉ khi trong quá trình làm việc của cán bộ có vấn đề gì thì mới đưa ra để xem xét hoặc trong trường hợp có nhiều kiến nghị của cấp dưới. Bỏ phiếu tín nhiệm là một quy trình, thủ tục rất quan trọng, chúng ta đồng loạt lấy phiếu tất cả thì dễ dẫn đến một cách làm mang tính hình thức.

Ngay ở Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Có những nguyên nhân sau: Một là bị ràng buộc bởi quy định có ít nhất 20% số đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Nguyên tắc trong Quốc hội là không được đi vận động nên việc tìm được 20% số phiếu là điều không hiện thực. Thứ hai, là phải được một ủy ban đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, thì quy định này cũng rất khó thực hiện.

- Phê bình và tự phê bình là giải pháp được nhấn mạnh trong Nghị quyết trung ương 4. Ông đánh giá thế nào về giải pháp từng được nêu ra nhiều lần này?

- Tại sao phê và tự phê nêu ra từ lâu mà không làm được, bởi chúng ta không quyết liệt. Lần này Trung ương Đảng thống nhất phê, tự phê từ trên xuống, Bộ Chính trị, Trung ương phải đi đầu, tôi rất đồng tình.

Tuy nhiên, bây giờ cần phải làm thực, phê bình trong từng cấp một nhưng cũng phải tính tới việc cho đảng viên, cho dân biết tới đâu. Lâu nay sinh hoạt trong Đảng thường là kín đáo, ở đâu biết đấy thôi. Thế nên mới có chuyện dân tình bàn tán ngoài lề hơi nhiều. Theo tôi có điều rất tế nhị, việc công khai ở Quốc hội đã là khó, còn việc công khai ở Đảng càng khó hơn.

Vậy giải pháp ở đây là gì? Tốt nhất là phải có sự minh bạch, công khai. Như việc kê khai và công khai tài sản. Trên cơ sở đó việc tự phê bình và phê bình mới có sức sống. Vì ông tài sản nhiều thì lấy đâu ra? Kê khai phải có giám sát. Phê và tự phê thì tôi nhất trí và phải làm quyết liệt, nhưng đồng thời kèm theo chủ trương đó phải có biện pháp mang lại hiệu quả. Như vậy phải có minh bạch công khai, đến độ nào thì cân nhắc cho hợp lý để đảm bảo tính hiệu quả.

Ông Vũ Mão sinh năm 1939, là ủy viên trung ương Đảng 5 khóa 5, 6, 7, 8, 9. Ông từng đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

Nguyễn Hưng thực hiện

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,404

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn