13/02/2012 10:23 AM

Bất chấp phản đối của tiểu thương, cảnh báo từ công an, chính quyền vẫn quyết làm chợ tạm bao quanh chợ Quảng Ngãi. Bị các kiốt vây kín, khu buôn bán sầm uất nhất tỉnh bị lửa thiêu rụi vì công tác chữa cháy gặp khó.

Vụ hỏa hoạn ngày 9/2 gây thiệt hại nặng khiến hàng trăm tiểu thương Quảng Ngãi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Bao nhiêu bức xúc của tiểu thương hầu như dồn hết lỗi về "quyết sách" sai lầm của chính quyền địa phương năm ngoái đã cho làm chợ tạm vây kín chợ Quảng Ngãi. Chính chợ tạm đã trở thành chướng ngại vật cản xe cứu hỏa vào dập tắt lửa.

Có 4 sạp quần áo ở chợ Quảng Ngãi với tổng trị giá tài sản hơn 2 tỷ đồng trong phút chốc bị lửa thiêu rụi hoàn toàn, anh Nguyễn Tuấn bức xúc nói: "Giữa năm ngoái, trong lúc lãnh đạo thành phố họp bàn với tiểu thương xây chợ tạm vây kín chợ trung tâm, chúng tôi đã phản ứng kịch liệt. Lúc ấy, mấy ông khẳng định chắc nịch nếu chợ mà cháy thì chịu trách nhiệm trước bà con. Giờ đây hỏa hoạn ập đến, tiểu thương gánh đủ thiệt hại. Nếu không có chợ tạm vây quanh thì đám cháy khó thể gây thiệt hại nặng nề như thế".

Cuối tháng 5/2011, lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tổ trưởng dân phố xung quanh chợ về việc làm các dãy nhà tôn chợ tạm. Ông Nguyễn Hữu Cường, tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi, còn nhớ như in buổi họp căng thẳng hôm ấy. "Khi nghe thành phố bàn đến chuyện làm chợ tạm trên đường Ngô Quyền và Nguyễn Bá Loan ở hai bên chợ Quảng Ngãi, chúng tôi đã phản ứng dữ dội", ông Cường kể.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy vừa chữa lửa vừa đợi nước. Ảnh: Trí Tín

Lập luận của tiểu thương khi ấy là nếu bít hết lối vào hai bên hông chợ thì khi xảy ra hỏa hoạn chẳng khác nào đưa chợ vào đường cùng tự thiêu. "Lúc ấy, lãnh đạo thành phố trấn an là bên công an đã có 5 phương án phòng cháy chữa cháy khi làm chợ tạm này rồi", tổ trưởng dân phố 3 nhớ lại.

Tuy vậy trong buổi họp ấy, vị phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi từ chối thông báo 5 phương án chữa cháy với lý do "còn bí mật chưa thể công khai". Ông Cường buồn bã nói rằng, 5 phương án phòng cháy chữa cháy chẳng biết cụ thể như thế nào nhưng khi chợ Quảng Ngãi phát lửa, xe cứu hỏa loay hoay mãi không thể nào tiếp cận hiện trường vì vướng chợ tạm.

Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2011 UBND tỉnh cho phép dựng chợ tạm trên các tuyến đường này. Công an phòng cháy chữa cháy khi ấy đã quyết liệt không đồng ý bởi dễ gây nguy hiểm cháy nổ, đồng thời ngăn cản xe chữa cháy tiếp cận khi sự cố.

Ông Trang lắc đầu: "Thế nhưng sau đó chợ tạm vẫn mọc lên vây xung quanh nên khi cháy, xe cứu hỏa gặp vô vàn khó khăn đưa nước vào dập lửa".

Trong khi đó, ông Huỳnh Chánh, Phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi phân bua: "Vấn đề là cháy chợ Quảng Ngãi nhiều khả năng do chập điện xuất phát từ một sạp hàng kinh doanh giày dép ở góc phía Đông của chợ chứ không phải do chợ tạm". Theo ông Chánh, quy hoạch chợ tạm là chủ trương của tỉnh chỉ đạo thành phố làm, còn phương án phòng cháy chữa cháy do công an phòng cháy chữa cháy phối hợp với đơn vị quản lý chợ là Công ty CP Nông sản thực phẩm lập trình công an tỉnh phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho rằng để xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu rụi chợ Quảng Ngãi trước hết là trách nhiệm của kíp trực bảo vệ vào rạng sáng 9/2. Sau đó, trách nhiệm cao hơn là Ban quản lý chợ đã thiếu chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ, đến khi xảy ra cháy thì các thiết bị này chẳng khác nào phế liệu.

Sau thảm họa, ông Ngô Văn Tươi, Phó giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm - đơn vị quản lý chợ Quảng Ngãi thẳng thắn: "Chờ cơ quan công an điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy chợ, nếu những cán bộ nào của chúng tôi có sai phạm, liên quan đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này thì phải đưa ra xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật".

Nhiều tiểu thương bức xúc phản ánh, giữa cuối năm ngoái, nhân viên của Ban quản lý chợ đi thu của mỗi hộ kinh doanh 680.000 đồng nói là để mua quả cầu lửa về gắn ở các gian hàng phòng cháy chữa cháy. Số tiền thu được lên đến nửa tỷ đồng, nhưng khi xảy ra cháy chợ thiết bị này chẳng phát huy tác dụng. Cũng thời gian này, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy quy mô lớn ở chợ, song đến khi chợ bị cháy thật thì gặp nhiều lúng túng.

Ngoài việc quy hoạch, bố trí các sạp, kiốt tạm ngay trên lòng đường bên hông chợ khiến xe chữa cháy không vào được, mặt bằng phía trước chợ cũng được lực lượng bảo vệ chợ tận dụng nhận gửi xe chật kín.

Qua kiểm tra, cơ quan công an còn phát hiện trong 4 giếng nước cứu hỏa thì 3 không sử dụng được; hệ thống điện sinh hoạt đấu nối chung với hệ thống chữa cháy nên khi bị cúp điện các máy bơm nước từ cọc chờ lên xe chữa cháy không thể hoạt động. Chợ có 2 máy bơm tự động chữa cháy, một máy sử dụng điện và một dùng nhiên liệu để bơm phun sương làm mát khi có hỏa hoạn nhưng không phát huy tác dụng gì.

Đại tá Trang cho rằng, nguồn nước thiếu, xe chữa cháy nhỏ, không có xe thang nên dù có nỗ lực và huy động hết quân số, thiết bị cũng không thể dập lửa cháy chợ Quảng Ngãi trong thời gian ngắn được. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã kiến nghị Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy trang bị cho tỉnh một xe chữa cháy thang, một xe cứu thương, đến nay vẫn chưa nhận được.

Theo Vnexpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,389

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn