Toàn cảnh buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước chiều 12.7
Chiều 12.7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật, gồm : luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; luật Trợ giúp pháp lý; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; luật Cảnh vệ; luật Quản lý, sử dụng vũ khi, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.
Không xử lý hình sự đối với người tảo hôn
Về luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho hay luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều khoản để đảm bảo sự nhất quán trong chính sách xử lý, bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn như quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, quy định liên quan pháp nhân thương mại phạm tội; bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp...
Theo Thứ trưởng Châu, cùng với việc thông qua luật số 12/2017/QH14, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (đã sửa đổi, bổ sung) và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, luật Thi hành tạm giữ, tạm gia số 94/2015/QH13.
Nghị quyết trên quy định cụ thể về việc áp dụng Bộ luật Hình sự, trong đó xác định rõ những trường hợp nào được áp dụng hồi tố hoặc không. Đặc biệt, Nghị quyết khắng định từ ngày luật số 12/2017/QH14 được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định như không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án thì không thi hành nữa và Chán án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Đối với những người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành án nữa và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Cũng theo Nghị quyết, sẽ không xử lý hình sự đối với người thực hiện các hành vi như tảo hôn, báo cáo sai trong quản lý kinh tế, vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh, quản chế hành chính…
Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại
Giới thiệu về luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về thiệt hại được bồi thường, đảm bảo việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, hiệu quả.
Cụ thể, luật đã bổ sung các thiệt hại được bồi thường phát sinh trong thực tế chưa được luật luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009 quy định như thiệt hại được bồi thường là khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch; căn cứ tính mức lãi suất; lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm…
Luật cũng đã bổ sung một số thiệt hại về tinh thần trong trường áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn; trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật…
Về phục hồi danh sự, luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan vấn đề này theo hướng quy định nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự, quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện, tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi, cải chính công khai.
Về trách nhiệm hoàn trả, luật luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 đã sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Theo đó người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 - 50 tháng lương của người đó. Mức hoàn trả sẽ là 3 -5 tháng lương nếu là lỗi vô ý gây thiệt hại.
Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường, Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho hay luật cũng đã bổ sung một chương về vấn đề này. Trong đó quy định trách nhiệm của Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên cả nước.
Ở cấp tỉnh, trách nhiệm này thuộc UBND tỉnh. Luật cũng quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ tài chính Huỳnh Quang Hải đã giới thiệu về luật Quản lý tài sản công. Ông Hải cho hay, luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Luật quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công trên cơ sở thừa kế luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 và bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, xử lý tài sản công gắn với quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm. |
Trường Sơn
Theo Thanh niên