Việc thực hiện cơ chế một cửa được áp dụng đối với 05 thủ tục hành chính: Quyết định thi hành án theo yêu cầu, Xác nhận kết quả thi hành án, Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án và Đề nghị miễn, giảm phí thi hành án. Việc hỗ trợ trực tuyến được thực hiện đối với 03 thủ tục: Yêu cầu thi hành án, Yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án, Các thủ tục khiếu nại, tố cáo về thi hành án. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích được thực hiện đối với 03 thủ tục hành chính cấp trung ương, bao gồm giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 và giải quyết tố cáo về thi hành án và 12 thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, bao gồm: Xác nhận kết quả thi hành án, Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, Yêu cầu định giá tài sản khi có thay đổi giá tại thời điểm thi hành án, Đề nghị miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu, nộp ngân sách, Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, Đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án, Yêu cầu định giá lại tài sản thi hành án, Nhận tài sản đã kê biên để trừ vào tiền được thi hành án, Giải quyết khiếu nại về thi hành án lần 1, lần 2 và Giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự.
Các quy định về thủ tục, quy trình thực hiện các nội dung nêu trên được quy định khá chặt chẽ, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của công chức thi hành án và tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thi hành án. Đặc biệt, các cơ quan thi hành án sẽ phải có văn bản xin lỗi và nêu rõ lý do về việc giải quyết hồ sơ quá hạn. Đây là một nỗ lực, cố gắng, có ý nghĩa thiết thực, cụ thể của Ngành Tư pháp, Hệ thống Thi hành án dân sự trong việc rút ngắn thời gian thi hành bản án theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017 cũng như nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp theo quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là “hành động, kiến tạo và phục vụ”. Được biết, 08 tháng đầu năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã thi hành xong trên 21 nghìn tỷ đồng, qua đó kịp thời giải phóng nguồn lực tài chính, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
(Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự)
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp