Lãnh đạo nhiều gấp 2 lần nhân viên!

29/03/2017 08:37 AM

Tỉnh Hải Dương có 635 cán bộ từ cấp phó phòng trở lên trong khi chỉ có 301 chuyên viên

Ngày 28-3, đoàn giám sát của Quốc hội (QH) do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hải Dương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Thực tế và báo cáo “đá” nhau!

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu báo cáo năm 2016, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Hải Dương thực hiện giảm mỗi năm 1,7%, giao cho các đơn vị là 2.184 chỉ tiêu; đến năm 2017 giao giảm còn 2.146 chỉ tiêu. Trong 2 năm 2016 và 2017, tổng biên chế giảm 73 chỉ tiêu.

Theo ông Cầu, so với bình quân chung của các tỉnh tương đồng về địa giới hành chính và dân số thì biên chế công chức của tỉnh Hải Dương rất thấp, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực tiến độ và thời gian giải quyết công việc lớn. Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ những năm tới nếu tiếp tục tinh giản biên chế.

Nguyễn Mạnh Hiển

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng không nên tư duy trên có bộ nào thì dưới tỉnh có sở đó Ảnh: Thu Dũng

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh Hải Dương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Văn Tuyết cho rằng nếu chia trung bình, cứ hơn 2 lãnh đạo thì có một nhân viên, cụ thể có 635 cán bộ từ cấp phó phòng trở lên trong khi chỉ có 301 chuyên viên.

Không bằng lòng với con số này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, ông Ngô Trung Thành đề nghị làm rõ việc số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên do nguyên nhân từ văn bản trung ương ban hành hay do khâu điều hành, chỉ đạo thực hiện của địa phương chưa tốt. Cùng chung thể chế nhưng tại sao Quảng Ninh nơi nhiều lắm cũng chỉ có tỉ lệ 1 lãnh đạo trên 1 nhân viên nhưng Hải Dương thì 2 lãnh đạo trên 1 chuyên viên.

Đáng chú ý, ông Thành dẫn kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ mới đây chỉ rõ Hải Dương có hơn 200 hợp đồng làm công tác chuyên môn là không đúng quy định. “Thời gian qua, Hải Dương có những vụ lùm xùm thì trách nhiệm cơ quan thanh - kiểm tra như thế nào, đã làm hết trách nhiệm chưa?” - ông Thành nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn lại thời điểm tháng 7-2016, báo chí và dư luận đồng loạt nêu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hải Dương có tới 44/46 người là lãnh đạo. “Vậy số “thừa” được địa phương xử lý thế nào? Dư luận nói rằng một số địa phương có hiện tượng bổ nhiệm nhanh thì tỉnh có việc này hay không và hướng xử lý ra sao?” - bà Thúy nêu rõ.

Vẫn ít biên chế hơn các tỉnh?

Giải trình tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Nguyễn Văn Tỏ phân trần Hải Dương có số lượng công chức rất thấp, chỉ hơn 1.000 người. Do thiếu người nên có ký hợp đồng làm việc chuyên môn nhưng những người này chủ yếu chỉ giúp việc là chính. Sau khi có kết luận của Bộ Nội vụ, tỉnh đã chỉ đạo chấm dứt số lao động hợp đồng này. Đến ngày 10-4, các sở ngành chốt lại đề án vị trí việc làm. Theo đó, phải xây dựng số lượng lãnh đạo quản lý rõ ràng, từ đó xác định tiêu chuẩn; người nào không phù hợp với vị trí việc làm, ngành đào tạo thì tinh giản và sẽ thực hiện quyết liệt.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho hay sau khi rà soát, toàn tỉnh chỉ có 11 phòng vượt số lượng lãnh đạo vì nhiều lý do. Tỉnh này đã quyết định mỗi phòng không quá 2 phó phòng, còn trường hợp đặc thù do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.

 “Đừng tư duy trên có bộ nào thì ở dưới có sở đó. Hải Dương nếu cần thúc đẩy du lịch có tiềm năng thì có thể lập sở du lịch. Còn nơi nào ít nông nghiệp thì cần gì phải có sở NN-PTNT nữa. Còn phòng, anh cứ giao mạnh dạn cho tỉnh bao nhiêu phòng. Cứ như hiện tại rất bí vì muốn một phòng thì lại vướng nghị định. Điều cần “siết” là quy định mỗi phòng ít nhất 5 viên chức” - ông Hiển kiến nghị.

Kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng về số lượng lãnh đạo cấp phòng, theo đề án của Bộ Nội vụ, tới đây căn cứ quy định cụ thể bao nhiêu nhân viên thì có một phó phòng. Biên chế phải khống chế bằng khung, nơi nào tự chủ ngân sách, đô thị hóa nhiều, phát triển thì khung cao hơn và địa phương quyết trong khung đó. Còn nơi nào dựa vào ngân sách trung ương thì khống chế rất chặt, khi nào phát triển lên mới nới khung.

Thế Dũng

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,817

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn