28/11/2011 09:12 AM

Ngày 1-11, Nghị định 82/2011 của Chính phủ về quy trình, thủ tục thi hành án (THA) tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực. Tuy nhiên, do còn nhiều phần việc phải làm nên việc THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thay cho xử bắn chưa thể thực hiện. Theo kế hoạch, cuối tháng 12 sẽ hoàn thành và triển khai.

Tháng 12-2011 tử hình bằng tiêm thuốc độc
Hơn 360 tử tù chờ thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

Xây dựng 8 nhà thi hành án

Vừa qua, Tổng cục Cảnh sát THA hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an đã có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các biện pháp nhằm sớm đưa hình thức THA tử hình bằng tiêm thuốc độc vào áp dụng theo đúng quy định. Tuy nhiên, do còn nhiều công việc, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên THA bằng hình thức tiêm thuốc độc chưa thể thực hiện ngay từ ngày 1-11.

Trong thời gian qua, Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cùng các đơn vị liên quan đã đi thực tế tại năm địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk. Các cơ quan liên quan đã thống nhất triển khai xây dựng năm nhà thi hành án tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc tại các địa phương này. Năm địa phương này được lựa chọn vì nằm trải dài trên các vùng miền của cả nước và thống kê của Tổng cục VIII cũng cho thấy hàng năm có số trường hợp tử hình nhiều nhất. Tổng kinh phí được duyệt cho năm nhà thi hành án là 16 tỉ đồng, trong đó dành riêng 1,8 tỉ đồng cho công tác tập huấn, tham khảo, rút kinh nghiệm, còn lại là đầu tư vào xây dựng, mua sắm trang thiết bị.

Bộ Quốc phòng cũng dự kiến xây 3 nhà THA tử hình bằng tiêm thuốc độc tại 3 vùng miền. Bản thiết kế đã được duyệt, kinh phí đã được rót xuống từng địa phương để xây dựng, trang thiết bị sử dụng cho việc tiêm thuốc độc cũng đã được đặt hàng từ nước ngoài, trong tháng 11 sẽ nhập về Việt Nam, thuốc thì đã có sẵn. Việc tập huấn cho đội ngũ thi hành án được thực hiện song song với việc xây dựng, lắp đặt nhà thi hành án và tất cả sẽ hoàn thành đồng bộ.

Điểm giống nhau trong số 8 nhà tiêm thuốc độc đầu tiên trên cả nước là đều được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng trong khuôn viên của các trại tạm giam. Tại Hà Nội, Bộ Công an đã chọn Trại Tạm giam số 1 (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm). Theo một cán bộ tham gia xây dựng đề án quy trình THA tử hình bằng tiêm thuốc độc, sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, phạm nhân tại các địa phương sẽ được chuyển tới các nhà THA tử hình gần nhất để tiêm thuốc độc theo đúng quy định, trình tự. Do số lĩnh án tử hình hàng năm không nhiều và không THA cùng lúc nên theo nhận định của Tổng cục VIII, việc vận chuyển cũng không quá khó khăn, phức tạp.

Phù hợp xu thế chung

Ở Việt Nam để việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc được quy định rõ trong luật như hiện nay đã trải qua một quá trình xây dựng luật khá công phu. Vậy mà khi đưa ra trình trước Quốc hội vẫn còn tranh cãi với những ý kiến trái ngược. Các chuyên gia về pháp luật cho rằng việc tử hình bằng tiêm thuốc độc phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới; thể hiện giá trị nhân văn về mặt pháp lý, làm giảm đi những hạn chế của hình thức xử bắn như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án, đồng thời là nhân đạo nhất, nhẹ nhàng nhất đối với tử tù và cũng là tốt nhất đối với người thi hành án, người bị thi hành án tử hình ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn…

Theo quy định, trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc gồm: giường nằm có các đai cố định người bị thi hành án; ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án và các dụng cụ, trang thiết bị khác. Thuốc dùng tử hình là một liều thuốc gồm 3 loại: thuốc Sodium thiopental để gây mê; thuốc Pancuronium bromide dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp và cuối cùng là thuốc Potassium chloride dùng để ngừng hoạt động của tim. Cán bộ THA thực hiện toàn bộ quy trình với sự hỗ trợ của bác sĩ trong khâu xác định tĩnh mạch. Mỗi trường hợp tử hình, cán bộ THA phải chuẩn bị 3 liều thuốc trong đó 2 liều dự phòng nếu tiêm rồi mà tử tù chưa chết.

Người tham gia hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y, cán bộ chuyên môn, người thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, an táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 1 lần mức lương tối thiểu chung quy định cho mỗi lần thi hành án. Những người tham gia khác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 1/2 mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án.

Cũng theo Nghị định 82, người bị THA tử hình được hưởng chi phí mai táng, gồm 1 quan tài bằng gỗ thường, 1 bộ quần áo thường, 4m vải liệm, hương, nến, rượu, cồn để làm vệ sinh khi liệm tử thi và các chi phí mai táng khác. Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải tự chịu chi phí đưa di chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự...

Hơn 360 người chờ án tử hình

Bộ Y tế được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối nhập khẩu, cung cấp các loại thuốc độc để THA tử hình. Đây đều là các loại thuốc đã được Bộ Y tế nhập khẩu, kiểm định và cho phép sử dụng trong nhiều bệnh viện trong nước với liều lượng, chỉ định nghiêm ngặt.

Trước khi bị tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân. Theo thông tin từ Tổng cục VIII, hiện có hơn 360 tù nhân mang án tử hình chờ THA trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP. HCM, Hà Nội, Nghệ An, Sơn La - những nơi được xây dựng nhà thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc đầu tiên. Đây đều là các tử tù phạm những tội ác khủng khiếp như buôn bán ma túy, cướp của giết người. Trong số các tử tù đang chờ ngày THA tử hình có Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ cắt cổ người yêu rồi phi tang thi thể nạn nhân và cướp của, nếu đơn xin ân xá của y bị Chủ tịch nước bác bỏ.

Trước đó, tử tù cuối cùng bị xử bắn tại trường bắn Cầu Ngà là Nguyễn Văn Hưng, thi hành án ngày 24-6-2011. Sinh năm 1989 tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng "Chày") là thủ phạm vụ giết người, cướp xe ôm tại cánh đồng Giềng, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) từ năm 2008. Hưng là tử tù “khóa sổ” trường bắn Cầu Ngà vì từ 1-7-2011, theo Luật Thi hành án hình sự, tử tù bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Trên thế giới hiện nay đã có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tại châu Á, nhiều nơi cũng áp dụng biện pháp này như Thái Lan, Đài Loan. Riêng Trung Quốc có 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn và tiêm thuốc độc. Hình thức xử bắn được áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh mẽ. Các trường hợp khác áp dụng hình phạt tiêm thuốc độc. Tại Mỹ, nhiều tiểu bang đã áp dụng tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình thay cho các biện pháp ghế điện, phòng hơi ngạt và một số biện pháp khác. Bản chất của biện pháp này là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc, thường gồm 3 loại: một để gây mê, một để cơ bắp và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.

Theo Phương Hà (An Ninh Thủ Đô)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,371

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn