Công bố quy chế thi THPT và xét tuyển đại học năm 2017

01/02/2017 10:32 AM

Ngày 25/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT về quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT và Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Toàn văn Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT

Toàn văn Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT

Thi THPT quốc gia 2017 thay đổi thế nào?

So với bản dự thảo mà Bộ đưa ra để lấy ý kiến thì quy chế tuyển sinh đại học 2017 có nhiều điểm mới.

Các trường ĐH sư phạm được tuyển thẳng học sinh trường chuyên

Theo  quy chế, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, với các trường ĐH Sư phạm, Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

Cũng theo quy chế, các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, báo cáo Bộ GD&ĐT kết quả tuyển sinh trước ngày 31/12 hằng năm

Từ năm 2018, các trường tự quyết điểm sàn

Theo quy chế, những trường sử dụng tổ hợp các bài thi/môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.

Việc thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành;  Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, trước ý kiến của dư luận, trong quy chế chính thức, năm 2017, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn như sau: căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định  thì mỗi trường tự xác định điểm sàn cho trường mình.

Thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng

Quy chế thi năm 2017 quy định thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.

Nghiêm Huê

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,250

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]