Thông qua Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH

12/01/2017 08:44 AM

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, sáng 11/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều khiển phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp thứ 5 (tháng 12 năm 2016), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (sau đây gọi là Quy chế giám sát). Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện nghiên cứu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Quy chế theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện thẩm quyền chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Hoạt động giám sát, dự thảo Quy chế đã quy định cụ thể việc điều hòa hoạt động giám sát khi xây dựng kế hoạch giám sát (Điều 40), số lượng chuyên đề và địa phương giám sát hằng năm, các nguyên tắc điều hòa hoạt động giám sát của các cơ quan (Điều 41) và điều hòa hoạt động giám sát trong trường hợp điều chỉnh thời gian, địa điểm làm việc tại địa phương (Điều 42)… Trong đó, quy định về số lượng các chuyên đề giám sát đối với từng cơ quan đã được cân nhắc trên cơ sở thực tế hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm sự phù hợp giữa nhu cầu giám sát với khả năng thực hiện, tránh quá tải cho các cơ quan và sự trùng lặp nhiều hoạt động tại địa phương, phù hợp với chủ trương của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tăng cường giám sát tại các cơ quan trung ương, hạn chế giám sát tại địa phương. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho giữ quy định về số lượng chuyên đề giám sát như trong dự thảo Quy chế.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhằm tạo điều kiện cho việc điều hòa hoạt động giám sát theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 36 Luật Hoạt động giám sát, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với các cơ quan chỉnh lý khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 44 của dự thảo Quy chế theo hướng phân công rõ trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra, tham gia thẩm tra các báo cáo; đồng thời, bổ sung quy định “trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc phối hợp thực hiện hoạt động giám sát của các cơ quan ở cùng một địa phương, tại cùng một thời điểm” (điểm c khoản 2 Điều 41 của dự thảo Quy chế).

Để bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí trong các hoạt động giám sát, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy cần bổ sung trong dự thảo Quy chế nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức”; đồng thời cụ thể hóa nguyên tắc này trong các điều khoản có liên quan của dự thảo Quy chế (ví dụ: các điều 37, 38 và 39...).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng khẳng định: “khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí”.

Qua thảo luận, các ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội hội cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội của Ủy ban Pháp luật. Trong đó, tán thành việc bổ sung nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Tán thành với chủ trương này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đoàn giám sát nên tránh để các địa phương đón tiếp rườm rà mà nên tự chi kinh phí ăn ở, đi lại. Đồng thời cũng không cần yêu cầu lãnh đạo lãnh đạo địa phương phải tiếp đón, phục vụ mà chỉ cần làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn về lĩnh vực giám sát là được. Ví dụ đoàn giám giám sát về án oan sai thì chỉ cần làm việc với Thủ trưởng cơ quan điều tra, người phụ trách trực tiếp về án hình sự của cơ quan công tố, xét xử…

Theo quy chế, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định mỗi kỳ họp giám sát 01 chuyên đề; năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại kỳ họp cuối năm; mỗi đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tổ chức không quá 05 đoàn công tác đến làm việc tại không quá 15 địa phương;  Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát không quá 02 chuyên đề trong một năm, bố trí tại phiên họp tháng 8 và tháng 9; năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp tháng 9; mỗi đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức không quá 05 đoàn công tác đến làm việc tại không quá 12 địa phương; Hội đồng dân tộc tổ chức giám sát không quá 03 chuyên đề trong một năm; mỗi Ủy ban của Quốc hội tổ chức giám sát không quá 02 chuyên đề trong 01 năm. Mỗi đoàn giám sát chuyên đề tổ chức các đoàn công tác đến làm việc tại không quá 09 địa phương.

Như vậy, theo quy định trong Quy chế thì một năm sẽ có ít nhất 25 đoàn giám sát xuống tối thiểu 9 địa phương. Như vậy, trung bình một địa phương sẽ có ít nhất 225 lượt các địa phương phải báo cáo. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, để tránh phiền hà cho địa phương, một năm không nên có quá 4 đoàn giám sát xuống 1 địa phương vì mục đích chính của hoạt động giám sát là giám sát chính sách, việc thực hiện chính sách và mang tính chính trị, trọng trách chính trị, quản lý nhà nước nhiều. Do vậy, hoạt động giám sát ở các Bộ phía trên mới là chủ yếu, còn giám sát ở địa phương chỉ mang tính chất đánh giá xem việc triển khai của Chính phủ, các Bộ ngành ở địa phương đó như thế nào mà thôi.

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần quan tâm đến việc cân đối nguồn lực và số lượng giám sát chuyên đề trong một năm, không phải cứ đi giám sát nhiều là hiệu quả giám sát tốt. Theo Phó Chủ tịch Quốc nếu có quá nhiều đoàn giám sát trong một năm thì sẽ khó cân đối được nguồn lực, hoạt động giám sát phải được tổ chức trên cơ sở tình hình thực tiễn và chú trọng giám sát vĩ mô ở các Bộ ngành, cơ quan Trung ương là chính, việc giám sát xuống các địa phương chỉ để giám định việc thực hiện chính sách trong thực tiễn có tốt hay không. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, giám sát ít nhưng có khả năng lan tỏa vẫn tốt hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, công việc ở các địa phương rất nhiều, trong khi đó 1 năm phải tiếp 4, 5 đoàn giám sát là rất phiền hà. Do vậy, số lượng đoàn giám sát trong một năm không nên quá nhiều, thành viên tham gia không nên quá đông. Giám sát là giám sát việc ban hành chính sách pháp luật liên quan và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đó còn vướng mắc, bất cập ra sao. Và, tùy nội dung giám sát mà số lượng các địa phương phải báo cáo ra sao. Ví dụ, giám sát đất đai là tất cả các tỉnh thành phải báo cáo còn về giám sát liên quan đến BOT thì chỉ địa phương nào có BOT phải báo cáo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không phê duyệt các đoàn giám sát mấy chục người nữa; hoạt động giám sát phải thực sự có chất lượng, hiệu quả, đặc biệt phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả nhanh chóng.

Sau các ý kiến thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Pháp luật; cho rằng các quy định trong dự thảo Quy chế đã cụ thể, bám sát Luật Hoạt động giám sát; cơ bản đảm bảo vai trò điều hòa hoạt động các đoàn giám sát chuyên đề. Ngay sau đó, 100% các ý kiến Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết đã nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội, các cơ quan hữu quan của Quốc hội tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ tất cả các nội dung, hoàn chỉnh văn bản để trình Chủ tịch Quốc hội ký và ban hành theo quy định.

Thu Phương

Theo Cổng TTĐT Quốc hội

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,448

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn