Quốc hội hối thúc Chính phủ sửa Luật Đất đai

23/11/2011 08:40 AM

- Nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sử dụng đất đai, Quốc hội cũng hối thúc Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật đất đai để sớm trình thời gian tới.


Đây là một trong những nội dung Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 được Quốc hội bỏ phiếu thông qua chiều nay (22/11).

Nhiệm vụ chung nêu trong Nghị quyết là “phải xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn chỉnh hệ thống thông tin về đất đai. Xác định hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể trong quy hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của từng cấp trong quản lý đất đai.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, thực hiện nghiêm các chỉ tiêu sử dụng đất được Quốc hội phê duyệt. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật đất đai để sớm trình Quốc hội thời gian tới”.

Ảnh: Minh Thăng
Cùng với nội dung trên, một số nội dung cụ thể liên quan đến quản lý đất đai được nhấn mạnh rõ trong Nghị quyết như giữ nguyên chỉ tiêu quỹ đất cho công trình công cộng, đất lúa, không bổ sung thêm chỉ tiêu riêng về đất giao thông, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả đất cho mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, đất do các đơn vị quốc phòng, an ninh làm kinh tế tại các địa phương trước năm 2015....

Rà soát biệt thự hoang

Trong phiên thảo luận trước bỏ phiếu, nhiều ý kiến đề xuất tăng quỹ đất cho công trình công cộng, đất lúa, đồng thời giảm chỉ tiêu quy hoạch đất đô thị, đất khu công nghiệp. Song, về cơ bản, Chính phủ vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu. Gần 87% số đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua các chỉ tiêu đó.

Cụ thể, quỹ đất ở tại đô thị đến năm 2020 sẽ là 202 nghìn ha.

Trước tình trạng một số khu đô thị, biệt thự bỏ hoang do chính sách đầu tư bất cập, nhiều dự án chỉ hướng tới người có thu nhập cao, trong khi nhu cầu về chỗ ở của người lao động trung bình, đối tượng chính sách vẫn còn rất lớn, UB Thường vụ QH đề nghị Chính phủ rà soát các khu đô thị, biệt thự bỏ hoang và có chính sách để người thu nhập thấp có chỗ ở trước.

Liên quan đến việc không tăng chỉ tiêu đất phát triển hạ tầng xã hội như văn hóa, giáo dục, UB Thường vụ QH cho rằng, do các chỉ tiêu này đã được tính toán kỹ để đáp ứng đủ các nhu cầu thời gian tới. Diện tích các loại đất này đều tăng trung bình gấp 2 lần so với hiện trạng năm 2010.

Về không bổ sung thêm chỉ tiêu riêng về đất giao thông, Quốc hội tán thành chính sách của Chính phủ  do quy hoạch sử dụng đất cho giao thông đã được tính toán chung trong Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đến năm 2020.

Về quỹ đất cho khu công nghiệp, đại biểu Quốc hội đã đề nghị giảm diện tích quy hoạch xuống nhiều mức khác nhau. Song Nghị quyết vẫn giữ nguyên con số 200 nghìn ha. Việc quy hoạch theo tỷ lệ cao để phục vụ mục tiêu phát triển đến năm 2020, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Sau 2020, dự kiến đất khu công nghiệp sẽ không tăng thêm, tập trung hoàn thiện các khu công nghiệp đã thành lập.

Trước mắt, Chính phủ chỉ giảm chỉ tiêu mở rộng diện tích khu công nghiệp đến năm 2015, để tập trung nguồn lực lấp đầy các khu công nghiệp hiện có.

Cũng theo Nghị quyết, diện tích đất lúa đến 2020 sẽ là 3,8 triệu ha, không tăng lên như các ý kiến đề xuất trước đó. UB Thường vụ QH cho rằng, diện tích này đã được tính toán nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong dài hạn trước áp lực gia tăng dân số, thách thức của biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng đã tính đến nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa cho các mục đích khác.

Nghị quyết cũng nêu xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt, tăng đầu tư hạ tầng, tiêu thụ  hàng hóa cho các tỉnh giữ nhiều đất lúa, có chính sách để người trồng lúa yên tâm sản xuất...

Lê Nhung

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,213

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn