18/11/2011 16:08 PM

Hôm qua (17/11), thảo luận tại Hội trường về dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật, đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình sự cần thiết phải ban hành nhưng lưu ý các quy định cần cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Ưu tiên các luật liên quan đến đời sống

Cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, các ĐBQH cơ bản nhất trí với số lượng các dự án luật, pháp lệnh theo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Tuy nhiên, vấn đề mà ĐB tập trung là cần ưu tiên các dự án luật cấp thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống.  ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị cần quan tâm sửa đổi luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch…các luật về lao động, việc làm, tiền lương tối thiểu. Riêng các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, ĐB Hoàng cho rằng cũng nên được tiến hành song song với sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) thống nhất cao: các luật về tổ chức bộ máy cần phải tập trung cao độ, phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp. Đối với các dự án luật: Tạm giam, truy nã tội phạm, phòng chống tội phạm, theo ĐB Trường, nên gộp chung khi tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần thiết phải xây dựng luật riêng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) thì các dự án luật: bầu cử QH và HĐND, Luật giám sát của HĐND, Luật tiếp công dân cần đưa lên chương trình chính thức. ĐB này cũng không đồng ý Luật phòng chống tác hại rượu bia bị đưa ra khỏi Chương trình vì cho rằng rất cần thiết.

Khắc phục tình trạng luật đưa vào, rút ra không theo quy luật nào, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị nếu cần Quốc hội nên có Nghị quyết về tiến độ trình luật, có thể lập Ủy ban lâm thời giám sát quá trình xây dựng luật để tăng cường năng lực làm luật.

Các ĐB cũng đề nghị phải khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống", luật ra phải chờ Nghị định, thông tư…Cần chú trọng nhiều hơn đến việc tham vấn công chúng, đặc biệt những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; kiên quyết đưa ra khỏi chương trình đối với các dự án luật chạy tiến độ mà không đảm bảo chất lượng. Cần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các dự án luật.

Xã hội hóa là cần thiết

Xuất phát từ thực tế hiện nay, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) còn nhiều bất cập. Bất cập từ chính sách đầu tư về kinh phí, nguồn lực con người đến việc tổ chức thực thi, đặc biệt ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, hầu hết ĐBQH tán thành cao việc phải ban hành Luật PBGDPL.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng tình trách nhiệm chính trong phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thuộc về Nhà nước, do Nhà nước làm nòng cốt, tuy nhiên, ĐB này cho rằng xã hội hóa đối với công tác này sẽ khó khăn nên cần có những quy định mang tính khuyến khích để các tổ chức, cá nhân cùng tham, gia công tác PBGDPL. ĐB Xuyền cũng đề nghị dự Luật bổ sung chế tài đối với các cơ quan không thực hiện nhiệm vụ PBGDPL và trách nhiệm PBGPL cho người VN ở nước ngoài.

Cũng ủng hộ chủ trương xã hội hóa PBGDPL, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, nếu Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong PBPL thì cần có quy định bắt buộc theo hướng hàng năm các cơ quan phải bố trí một khoản kinh phí cho PBGDPL.

Dẫn chứng nhiều ví dụ vì không hiểu biết pháp luật mà người dân có những hành xử không đúng pháp luật, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: Luật phải bao trùm hết đối tượng cần PBPL là đại bộ phận người dân. Về quy định đối tượng đặc thù trong dự thảo luật, ĐB Thắng “phê” chưa hẳn đặc thù và cần phải xác định chính nhóm đối tượng này để có sự ưu tiên.

Dành nhiều quan tâm cho đồng bào vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số - những người hiện phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận pháp luật, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đề nghị bổ sung vào nhóm đối tượng được ưu tiên. ĐB cũng lưu ý dự luật còn nhiều quy định chưa cụ thể, nếu không khắc phục sẽ dẫn đến tình trạng luật ban hành nhưng phải chờ hướng dẫn mới thực hiện được.

Về quy định chọn ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật, nhiều ĐB bày tỏ sự đồng tình, vì cho rằng, đó là một cách nhằm nhắc nhở mọi người học tập, nâng cao ý thức pháp luật.

Thu Hằng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,439

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]