Vụ “Xin Chào” và sự lạm quyền của quan xã

20/08/2016 08:31 AM

Lại một lần nữa, dư luận dậy sóng với thông tin mới về ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào - Ảnh: Duyên Phan

Ông Nguyễn Văn Tấn là người từng bị truy tố oan về tội kinh doanh trái phép.

Ngày 16-8, với việc đặt tạm khúc container trong phần đất thuê kế bên quán để làm chỗ rửa ly, chén..., ông Tấn đã bị chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định đình chỉ thi công công trình kèm theo đề nghị cắt điện, nước và buộc tự tháo dỡ.

Áp dụng quy định đã hết hiệu lực

Chuyện nào ra chuyện đó và theo đúng nguyên tắc thì bất kỳ ai sai phạm cũng đều bị xử lý. Vậy nên sẽ rất bình thường nếu lần này ông Tấn bị chế tài do thật sự có vi phạm.

Song, điều đáng nói là chính quyền đã bắt lỗi, xử lý ông không đúng pháp luật khiến ông tiếp tục xất bất xang bang sau sự cố lúc trước và xã hội thêm lần nữa hoài nghi về tính công tâm của những người thực thi pháp luật tại địa phương.

Quyết định đình chỉ thi công của chủ tịch UBND thị trấn cho rằng ông Tấn đã có hành vi vi phạm quy định nêu tại khoản 1, điều 12, nghị định 180/2007 của Chính phủ (hướng dẫn Luật xây dựng 2003) ở chỗ “tổ chức thi công công trình khác (công trình container) trên đất không được phép xây dựng”.

Đầu tiên phải khẳng định ngay nghị định 180 đã hết hiệu lực ngay sau khi Luật xây dựng 2014 (thay cho Luật xây dựng 2003) có hiệu lực.

Tiếp nữa, điều khoản nêu trên của nghị định 180 chỉ dành cho việc xử lý công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng theo quy định, tức không hề điều chỉnh cái gọi là “công trình khác”.

Khi “công trình container” (từ dùng trong quyết định) được đặt tạm trên đất, không được liên kết định vị với đất, không được xây dựng theo thiết kế... tức không phải là công trình xây dựng theo định nghĩa của khoản 10, điều 3, Luật xây dựng 2014, vì sao chủ tịch thị trấn lại dẫn chiếu quy định về công trình xây dựng để bắt lỗi ông Tấn?

Và khi quy định đó nêu rõ là áp dụng cho công trình xây dựng thì tại sao chủ tịch thị trấn lại “đẻ” ra thêm lỗi “thi công công trình khác” để xử lý ông Tấn?

Chưa hết, quyết định đình chỉ trên còn yêu cầu cắt điện, nước của ông Tấn trong vòng 24 giờ, buộc ông Tấn tháo dỡ container trong thời hạn ba ngày nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Thế nhưng biện pháp cắt điện, nước các công trình vi phạm xây dựng nhằm buộc chủ đầu tư ngừng thi công đã được Luật xây dựng 2014 loại bỏ.

Yêu cầu sau cùng là ông Tấn phải tự tháo dỡ container - xuất phát từ chỗ chính quyền đã bắt lỗi trái luật theo các phân tích ở trên - cũng trở nên không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Nỗi lo về sự lạm quyền

Phát biểu với một số tờ báo, ông Nguyễn Văn Phụng - bí thư Huyện ủy Bình Chánh cho biết chủ tịch thị trấn đã ra quyết định theo mẫu cũ, huyện đã họp bàn và quyết định dừng xử lý để xin hướng dẫn giải quyết của UBND TP.HCM...

Trong trường hợp cụ thể này, dư luận không thể dễ dàng chấp nhận việc nhầm mẫu chỉ là sơ suất.

Những người đã bị oan khiên như ông Tấn làm sao có thể yên tâm làm ăn, sinh sống khi như thể luôn bị chính quyền “canh me” và quyết định “trị” cho bằng được thông qua việc không nắm rõ luật hiện hành và lại còn “sáng tác” luật?

“Chính quyền có làm thì phải để dân phục, đừng làm chuyện nhỏ nhặt, không đáng”. Với ý tứ này của ông Phụng (cũng trên báo chí), cớ gì chính chủ tịch thị trấn và nếu cần thì UBND huyện không tự rút lại quyết định sai luật đã ban hành mà phải chờ đến hướng dẫn của cấp thành phố?

Xem ra nỗi lo các quan xã lạm quyền không chỉ từ vụ này còn dai dẳng không biết chừng nào dứt.

Quyết định xử phạt của UBND thị trấn Tân Túc

BÁ TRUNG

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,289

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]