Nhiều Bộ ‘chạy nước rút’ loại bỏ giấy phép con

25/05/2016 15:54 PM

Các Bộ vừa “trình làng” hàng loạt dự thảo văn bản quy định về điều kiện kinh doanh, theo yêu cầu tại Luật Đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.

Đây là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang hết sức quan tâm. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành phải tìm cách rút ngắn thời gian soạn thảo và ban hành các nghị định nói trên, trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5 và việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7, đúng thời hạn luật định. Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng các nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng phải bảo đảm việc lấy ý kiến của các đối tượng điều chỉnh.

Một thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, có 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 Thông tư, Quyết định  của  các  Bộ.

Hiện các Bộ ngành đang tập trung thực hiện yêu cầu này và nhiều dự thảo Nghị định đã được “trình làng”.

Mới nhất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Tương tự là dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, dự thảo Nghị định về đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải xây dựng hàng loạt dự thảo, gồm Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển và kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển; Nghị định quy định kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và sát hạch lái xe ô tô…

Trước đó, Bộ đã đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Bộ Y tế cũng vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thuốc. Trước đó, Bộ này đã xây dựng hàng loạt dự thảo Nghị định, gồm dự thảo quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dự thảo về điều kiện sản xuất mỹ phẩm; dự thảo về điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; dự thảo về điều kiện thực hiện và kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; và dự thảo về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tổng cộng Bộ đang dự kiến dự thảo 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một dự thảo Nghị định duy nhất, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh cho toàn bộ 8 lĩnh vực thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ, gồm giống cây trồng, phân bón, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thủy sản, lâm nghiệp, giống vật nuôi, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, khoa học công nghệ và môi trường.

Trong khi đó, tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi quy định điều kiện kinh doanh lữ hành. Khác với Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa, dự thảo mới quy định chung về điều kiện với mọi doanh nghiệp lữ hành.

Đặc biệt, trong một động thái đáng chú ý, NHNN Việt Nam đã dừng xây dựng dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh hoạt động mua bán nợ. Theo NHNN, dịch vụ mua bán nợ nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, qua góp ý của doanh nghiệp, NHNN thấy rằng việc mua bán nợ là hoạt động thông thường của các chủ thể trên thị trường và cần khuyến khích. Còn việc mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CPNghị định số 34/2015/NĐ-CP.

Do đó NHNN kiến nghị dừng xây dựng, không ban hành Nghị định này. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ hoàn toàn được tự do trong lĩnh vực này mà không có giới hạn nào.

Thành Đạt

Theo Báo Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,569

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn