Chủ tịch nước: Gây oan sai phải chịu trách nhiệm hình sự

07/12/2015 08:24 AM

Ngày 6/12, tiếp xúc cử tri quận 4, TP. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định những cán bộ gây oan sai cho người dân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: TTXVN.

Tốc độ tăng Nợ công gấp ba lần tăng GDP

Cử tri Lục Minh Hợp (phường 10) cho rằng các đại biểu Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trực tiếp giải quyết và truyền đạt ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến với các ngành chức năng, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể tác động tốt đến đời sống người dân.

Tuy nhiên, ông Hợp cũng lưu ý nhiều vấn đề dân sinh như thực phẩm bẩn, tình trạng quá tải tại các bệnh viện, chế độ bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc. Nhiều địa phương nghèo nhưng vẫn thích xây trụ sở hoành tráng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa biết chắt chiu những đồng vốn vay nước ngoài, làm ăn thua lỗ, khiến cho nợ công tăng cao…

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, kinh tế trong nhiệm kỳ này phát triển ổn định hơn. Kinh tế vĩ mô tốt hơn. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Đối ngoại được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Vai trò, vị trí đất nước được đề cao và bạn bè quốc tế đánh giá cao và coi trọng Việt Nam.

Chủ tịch nước cho biết, tốc độ tăng nợ công hiện cao gấp 3 lần tăng GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Nợ công tăng bình quân 18-20%, trong khi đó GDP chỉ tăng khoảng 6% nhưng hiện nay không thể phanh nợ công lại ngay vì sẽ gây cú sốc cho nền kinh tế. Nguyên nhân khiến nợ công tăng cao là do hiệu quả đầu tư công kém, dẫn đến hệ luỵ là thu ngân sách không đủ trả nợ mà phải vay thêm. Năm nay vay thêm 25.000 tỷ đồng một phần dành cho đầu tư và một phần để trả nợ đến hạn.

“Phải mạnh dạn, công khai để sửa chữa. Ai vi phạm thì ngoài bồi thường ra sẽ còn bị truy tố hình sự. Dân vi phạm bị truy tố thì quan vi phạm cũng phải như thế, không phân biệt” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Trong khi đó, các kiến nghị về chế độ chính sách đều liên quan đến nợ công, như tăng lương, tăng chế độ cho các đối tượng chính sách. Trong khi đó nhiều công trình quốc gia cần phải ưu tiên vốn vì khi hoàn thành sẽ thúc đẩy việc thu cho nợ công, cải thiện được cán cân nợ công.

“Hiện nay lãng phí rất nhiều. Cứ mở báo ra thì thấy dự án này trùm chăn, dự án kia trùm mền. Bỏ tiền ra đầu tư nhưng không thu hồi vốn về được… Thành tựu 30 năm đổi mới lớn lắm nhưng so với thế giới thì chúng ta vẫn còn kém xa, từ năng suất lao động đến công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ở trong nước cũng có những mô hình kinh tế làm ăn tốt, có hiệu quả nhưng chưa phát triển đại trà. Doanh nghiệp trong nước đình đốn vẫn còn nhiều và hiện nay đang phục hồi nhưng còn chậm. Nguyên nhân do trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, quản lý yếu kém và quan trọng nhất là tình trạng tham nhũng lãng phí”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Quan vi phạm bị xử lý như dân

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc đề cập đến những vụ án oan liên tiếp được phát hiện trong thời gian gần đây như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và mới đây nhất là vụ án oan của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, án oan sai thời nào cũng có nhưng có lúc, có khi chưa được dân chủ hóa, công khai hóa như hiện nay nên ít người biết. Các biện pháp giảm oan sai đang được các cử tri quan tâm. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, kể cả ngành tòa án và Viện Kiểm sát đều rất chú ý.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Phải mạnh dạn, công khai để sửa chữa. Ai vi phạm thì ngoài bồi thường ra sẽ còn bị truy tố hình sự. Dân vi phạm bị truy tố thì quan vi phạm cũng phải như thế, không phân biệt. Cải cách tư pháp nhà nước đang thực hiện chính là chủ trương nhằm hạn chế oan sai, như sửa Bộ luật Hình sự năm 2013. Luật Tổ chức điều tra theo tinh thần mới cũng đã sửa, góp phần nâng chất lượng của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Tòa tuyên án căn cứ kết quả tranh tụng tại tòa án, giữa kiểm sát viên - người giữ quyền công tố và luật sư và cả lời bào chữa của bị can, bị cáo.

“Nhờ áp dụng mô hình này mà một số vụ việc oan sai đã được phát hiện trước khi tuyên án và nhiều tội phạm cũng được phanh phui và tiếp tục bị khởi tố tại phiên tòa. Đây là cách làm rất hay, không làm oan sai người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm”, Chủ tịch nước khẳng định.

Huy Thịnh - Trọng Thịnh

Theo Tiền phong

Điều 295. Tội ra bản án trái pháp luật

1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ  nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 297. Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt  khác;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3.  Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 298. Tội dùng nhục hình

1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 299. Tội bức cung

1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố,  xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ  nhất định từ một năm đến năm năm.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,810

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn