Giải thích những câu hỏi này, bà Trần Thị Thúy Nga - vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) - nói:
- Luật BHXH mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Luật BHXH này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của luật năm 2006 nhưng có nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng của người lao động.
Đó là mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng BHXH một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Chế độ hưu trí cũng có nhiều nội dung thay đổi, trong đó có thay đổi về cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu. Tuy nhiên, việc thay đổi cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu được thực hiện đối với người nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018, lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nam là 35 năm, lao động nữ là 30 năm.
“So với các quốc gia khác trên thế giới, công thức tính lương hưu của Việt Nam được đánh giá là hào phóng”Bà Trần Thị Thúy Nga (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội) |
* Với quy định mới về cách tính mức lương làm căn cứ tính đóng BHXH, tiền đóng của người lao động từ năm tới sẽ tăng?
- Tỉ lệ đóng BHXH sẽ không thay đổi nhưng nền tiền lương đóng BHXH từ ngày 1-1-2016 có sự thay đổi. Cụ thể:
+ Từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.
+ Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Theo quy định, trong tổng tỉ lệ 26% đóng vào quỹ BHXH, người lao động đóng 8%, còn lại 18% do người sử dụng lao động đóng. Như vậy, số tiền đóng BHXH của người lao động theo quy định mới cũng sẽ tăng hơn một chút, ngược lại quyền lợi hưởng chế độ BHXH sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.
* Đã tăng nền tiền lương đóng BHXH để tiền lương hưu cao hơn, vì sao phải tăng thời gian đóng BHXH từ 25 năm lên 30 năm đối với lao động nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với lao động nam, thưa bà?
- Có thể nói, so với các quốc gia khác trên thế giới, công thức tính lương hưu của Việt Nam được đánh giá là hào phóng. Mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được nhận bình quân là 3% lương hưu (đóng 25 năm được hưởng 75%) và 2,5% mỗi năm đối với lao động nam (đóng 30 năm được hưởng 75%). Tỉ lệ này của các quốc gia trên thế giới bình quân là 1,7%.
Tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác. Trong khi đó tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay là thấp, bình quân chung là 54,2 tuổi (nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi). Việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH tăng thêm 5 năm để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% là cần thiết.
* Nhiều ý kiến cho rằng nếu để cải thiện quỹ lương hưu mà chỉ trông vào việc tăng thu, kéo dài thời gian thu BHXH từ người lao động sẽ không mang lại hiệu quả, đẩy gánh nặng về phía người đóng BHXH. Bà nói thế nào về điều này?
- Luật BHXH mới đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất, trong đó việc điều chỉnh thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% chỉ là một giải pháp, không phải là giải pháp duy nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả trong hoạt động quản lý BHXH thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động đầu tư và công khai, minh bạch trong hệ thống BHXH cũng được quy định khá cụ thể trong Luật BHXH. Có thể nói những điều chỉnh về quy định đóng, hưởng BHXH nhằm đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH ở thời điểm này là hết sức cần thiết.
* Nhiều ý kiến cho rằng sau 25 - 35 năm mới được nhận lương hưu, số tiền này có được tính trượt giá không?
- Hằng năm, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ban hành thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH. Ví dụ như năm 2013, tiền lương hưu được điều chỉnh tăng thêm 9,6%; năm 2015, người nghỉ hưu được điều chỉnh tăng thêm 8% trong khi tiền lương cơ sở không tăng.
* Từ năm 2016, Nhà nước chủ trương mở rộng đối tượng tham gia, sẽ có chính sách gì để thu hút các đối tượng tự nguyện đóng BHXH?
- Trước hết, phải khẳng định đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là rất rộng, bao gồm cả những người nông dân, người lao động tự do, giúp việc gia đình, bán hàng rong...
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH mới bổ sung nhiều quy định như không khống chế tuổi trần tham gia, hạn mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH để phù hợp hơn với khả năng tài chính của nhiều người lao động; quy định linh hoạt hơn trong phương thức đóng.
Đặc biệt, Luật BHXH mới quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia, Chính phủ quy định cụ thể nội dung này để phù hợp với khả năng của ngân sách ở từng thời kỳ.
Thanh Hà
Theo Tuổi trẻ
Bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYTBảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 919/QĐ-BHXHsửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/QĐ-BHXH; Quyết định 1399/QĐ-BHXH; Quyết định 488/QĐ-BHXH.Theo đó, bãi bỏ 11 loại giấy tờ giải quyết hưởng BHXH, BHYT sau:- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thai sản (Mẫu 11A-HSB; 11B-HSB).- Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT (Mẫu 06/BHYT).- Giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận (Mẫu 17-CBH).- Giấy xác nhận đang đi học của nhà trường (Mẫu 22-CBH).- Giấy đề nghị tạm ứng mai tang phí (Mẫu 30-CBH).- Quyết định của cấp có thẩm quyền cử đi học tập, làm việc ở nước ngoài.- Giấy ủy quyền nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT.- Giấy đề nghị xác nhận chữ ký (Mẫu số 21-CBH).- Danh sách xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (Mẫu số 24a-CBH).- Giấy xác nhận người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM (Mẫu số 24b-CBH).Quyết định 919/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/10/2015. |