Tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước
Giai đoạn 2005 – 2015 là thời kỳ Việt Nam tiếp tục duy trì đà cải cách, đổi mới vốn đã được khởi động từ hai thập niên trước đó. Ngay từ đầu giai đoạn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW - văn kiện chính trị pháp lý đầu tiên của Đảng định hướng chiến lược cho sự phát triển của hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới.
Nội dung Nghị quyết đã xác định cụ thể những quan điểm chỉ đạo, đề ra nhiều định hướng chiến lược và giải pháp cơ bản cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của Nhà nước đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước đã có nhiều chuyển biến, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương đối đồng bộ, đang từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Một trong những lĩnh vực pháp luật trọng điểm cần được xây dựng mới, hoàn thiện, phục vụ sự nghiệp đổi mới chính là lĩnh vực pháp luật dân sự và kinh tế. Đưa ra nhận định bước đầu về lĩnh vực pháp luật này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cho biết: Nhờ thực hiện các nỗ lực đổi mới, cải cách của các cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn, nâng cao hơn vai trò, sức cạnh tranh của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp…
Hay trong lĩnh vực pháp luật về bảo vệ môi trường, bà Vũ Thu Hạnh (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường đã tiếp thu được nhiều tư tưởng mới, tiến bộ về quản lý, bảo vệ môi trường, về mối quan hệ giữa môi trường và phát triển. Những tư tưởng tiến bộ trên là tiền đề quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục phát triển thành các nguyên tắc cơ bản trong quản lý, bảo vệ môi trường.
“Giờ đây, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành là một quyền con người được hiến định tại Điều 43 Hiến pháp 2013 và phát triển lâu bền đã trở thành một mục tiêu phát triển của đất nước” – bà Hạnh dẫn chứng.
Đề cập tới một vấn đề vĩ mô là thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động lập pháp theo Nghị quyết 48, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường rút ra một số đánh giá về phương thức lãnh đạo của Đảng như Đảng lãnh đạo Quốc hội thông qua đường lối, quan điểm thể hiện trong Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị; Đảng lãnh đạo thông qua Đảng đoàn Quốc hội trong hoạt động lập pháp… đã tạo sự thống nhất cao trong quá trình thông qua các dự án luật. Theo ông Đường, các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung cũng như đối với hoạt động lập pháp nói riêng đã ít nhiều có sự đổi mới…
Phải xử lý, công khai những văn bản chồng chéo
Bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận trên, trong từng lĩnh vực pháp luật vẫn còn không ít tồn tại, bất cập. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế trong thời gian tới là rất cần thiết. Đối với thể chế kinh tế thị trường, ông Cương kiến nghị Nhà nước cần thực hiện tốt các chức năng vốn có trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, không thực hiện những công việc mà người dân (khu vực tư nhân) có thể làm được, nhất là kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân đã đủ sức đảm nhận, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật trong giai đoạn 2005 – 2015 đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt 10 năm qua.
Cùng với Nghị quyết số 49-NQ/TW, tính chiến lược, tầm nhìn xa của hệ thống pháp luật được cải thiện một bước, nhưng ông Liên rất trăn trở trước thực trạng tính chiến lược, tầm nhìn của hệ thống mới dừng ở việc giải quyết vấn đề bức xúc trước mắt và pháp luật về quyền con người, về an sinh xã hội chưa đạt được như kỳ vọng.
Thời gian tới, nguyên Thứ trưởng đề nghị phải có tiêu chí cụ thể để đánh giá quá trình phát triển của hệ thống pháp luật so với những định hướng mà Nghị quyết 48 đề ra cũng như phải thể hiện được tính chiến lược trong hệ thống pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề dài hạn.
Đáng chú ý, theo ông Liên, nhận định lâu nay cho rằng hệ thống pháp luật nước ta còn chồng chéo, mâu thuẫn thì phải chỉ ra được những văn bản nào chồng chéo, mâu thuẫn với nhau để có cách xử lý và thông báo cho người dân được biết.
Hoàng Thư
Theo Pháp luật Việt Nam