25/10/2011 17:43 PM

TTO - Sáng nay 25-10, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận về Luật tố cáo. Nội dung còn nhiều băn khoăn, nhất là có hay không quy định việc xem xét đối với các tố cáo nặc danh.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ như trong dự luật là nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Điều này cũng nhằm tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết. 

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng không xem xét các tố cáo nặc danh, mặc nhiên bỏ lọt những thông tin quan trọng và bỏ lọt tội phạm.

“Có những tố cáo không nêu tên, địa chỉ người tố cáo nhưng lại nêu rõ bằng chứng vi phạm của người bị tố cáo. Sở dĩ người ta không dám nêu tên trong đơn tố cáo là sợ bị trù dập, đe dọa. Vì vậy, tôi đề nghị với những đơn tố cáo có cơ sở để xác minh phải xem xét, giải quyết” - đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam (Cà Mau) cũng cho rằng trong thực tế có những đơn tố cáo nặc danh nhưng kèm theo bằng chứng, hình ảnh vi phạm của đối tượng bị tố cáo. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền phải coi đó là một nguồn thông tin, vì chắc chắn phải có lý do gì đó người tố cáo mới không dám đứng tên. “Chẳng lẽ tố cáo có bằng chứng rõ ràng lại bị bỏ qua”, ông Phương nói.

Để khuyến khích người tố cáo và đảm bảo an toàn cho họ, dự luật quy định người tố cáo được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình. Người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật, an toàn cho người tố cáo như áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật, bảo đảm an toàn cho người tố cáo.

Việc gửi kết luận nội dung tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo.

Trường hợp người tố cáo yêu cầu được bảo vệ mà cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ họ, Nhà nước phải bồi thường đối với thiệt hại về vật chất và tổn hại về tinh thần xảy ra.

Dự luật dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

LÊ KIÊN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,759

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]