88,8% đại biểu Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

22/06/2015 09:53 AM

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (22/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Có 88,87% đại biểu Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sáng 22/6/2015.

Sau khi xem xét lần cuối dư thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có 439 đại biểu (88,87%) trên tổng số 446 (90,28%) đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường Ba Đình nhất trí biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sau phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 22/5/2015 về dự thảo luật này.

Theo đó, có 16 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Hội trường và 7 đại biểu góp ý bằng văn bản về Dự thảo Luật. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung khác của Dự thảo Luật, đồng thời góp ý kiến về nhiều nội dung cụ thể của Dự thảo Luật.

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh Luật (Điều 1), có ý kiến đề nghị đoạn 2 thể hiện lại như sau “Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và Nghị quyết riêng của Quốc hội”.

Về văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2)                   

- Khoản 1:

+ Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ: "đơn vị cá nhân” vào sau cụm từ "do cơ quan nhà nước"; đề nghị bổ sung cụm từ "hoặc phê chuẩn" vào sau cụm từ "do cơ quan Nhà nước ban hành"; đề nghị bổ sung cụm từ "một số đối tượng" vào trước cụm từ "mọi cá nhân, tổ chức"; đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc người có thẩm quyền” sau cụm từ "do cơ quan Nhà nước”; đề nghị bổ sung chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cá nhân có thẩm quyền.

+ Có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “quy tắc xử sự chung” và “áp dụng nhiều lần” là mấy lần trở lên; đề nghị bỏ cụm từ “nhiều lần”.

+ Có ý kiến đề nghị thể hiện khoản này như sau: "Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước ban hành và phối hợp ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này và được nhà nước bảo đảm thực hiện”;

+ Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định khái niệm theo hướng: nếu như văn bản của trung ương có chứa đựng quy phạm pháp luật thì phải được điều chỉnh trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6), nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn các chủ thể quy định tại Điều này phải chịu trách nhiệm trước ai? chịu trách nhiệm như thế nào? Về các vấn đề như chậm tiến độ trình dự án, chậm tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ...; bổ sung quy định chế tài xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết vi phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành văn bản trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước, cá nhân và xã hội; bổ sung trách nhiệm của cá nhân, cơ quan đăng công báo vào khoản 6 Điều này; đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với kết quả phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phản biện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật...

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến góp ý này của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội lần cuối trước khi được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 88,87% số ý kiến nhất trí.

Quang Hưng

Theo Báo Đầu Tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,203

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]