Ảnh minh họa |
Các điều kiện kinh doanh do các bộ ngành, địa phương ban hành – thường được gọi là các “giấy phép con” – là một trong những vấn đề quan trọng nhất, được quan tâm nhất trong việc soạn thảo, ban hành và thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư đã dành riêng chương II, ngay sau những quy định chung, để quy định về vấn đề này.
Có thể thấy, với các quy định này, việc ban hành các điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ phải tuân thủ một quy trình kiểm soát hết sức nghiêm ngặt.
Cụ thể, chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang bộ, mới có thẩm quyền trình Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội thực hiện Dự án luật sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Khi đề xuất ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải phân tích sự cần thiết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung; phải đánh giá tính hợp lý, tính khả thi và tác động của việc sửa đổi, bổ sung đối với công tác quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh của các đối tượng phải tuân thủ.
Tương tự, khi kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong tờ trình về các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, các bộ ngành phải giải trình về sự cần thiết, tính hợp lý, tính khả thi... của các điều kiện kinh doanh đó.
Chưa hết, tại dự thảo Nghị định này, Bộ KHĐT còn quy định rõ hơn vấn đề về hình thức của điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bởi trên thực tế, các ”giấy phép con” mà các bộ ngành, địa phương ban hành thường được thể hiện dưới những hình thức hết sức đa đạng.
Theo đó, các loại “giấy phép”; “giấy chứng nhận đủ điều kiện”; “chứng chỉ hành nghề”; “chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp”; “văn bản xác nhận hay các hình thức văn bản khác”; hay “các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản” đều được coi là điều kiện kinh doanh.
Như vậy, định nghĩa rộng rãi nói trên về
hình thức của điều kiện kinh doanh đã ngăn chặn tối đa việc các bộ ngành, địa
phương ra điều kiện kinh doanh dưới các "biến tướng" khác nhau.
Xem chi tiết danh mục điều kiện kinh doanh hết hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 trong 127 thông tư tại đây |
Dự thảo Nghị định cũng chỉ rõ các điều, khoản về điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7/2015 trong 127 thông tư. Trong 127 thông tư này, Bộ Tài chính có 20 thông tư; NHNN có 17 thông tư, Bộ Giao thông Vận tải có 12 thông tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 11 thông tư; Bộ Công Thương có 10 thông tư, Bộ TNMT có 8 thông tư, Bộ LĐTBXH, Bộ TTTT đều có 6 thông tư…
Dự thảo Nghị định cũng khẳng định rằng các điều kiện kinh doanh do Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành sau ngày 01/7/2015 sẽ “đương nhiên không có hiệu lực thi hành”.
Mới đây, trong quá trình chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và tập hợp được khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh cho 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để trình bày được hết các điều kiện này, cần gần 900 trang tài liệu.
Với mục tiêu tạo đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã chỉ rõ, chỉ có Quốc hội, UBTVQH và Chính phủ mới được quy định về điều kiện kinh doanh; các bộ ngành, địa phương và các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản trái pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Hà Chính
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ