Công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản

26/03/2014 08:58 AM

Chiều qua 25/3, tại TPHCM, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Thiên Thanh Group đã công bố gói tín dụng mới dành cho thị trường bất động sản.

Theo đó, VNCB cùng các ngân hàng BIDV, Agribank, Vietinbank, Lien¬vietPostbank, ACB, VPN, Oceanbank, Sacombank và MB cam kết dành khoản tín dụng 50.000 tỷ đồng cho các nhà kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà thầu.

Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cho biết, đây là mối hợp tác của các đối tác gồm “4 nhà”: Nhà cung ứng vật liệu xây dựng- nhà băng- nhà thi công- chủ đầu tư dự án tạo nên mối quan hệ chuỗi liên kết 4 nhà nhằm mở thêm kênh tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, qua thực tế của thị trường ngân hàng thời gian qua, nếu các ngân hàng không liên kết để kiểm soát nguồn vốn thì dễ vỡ vì nợ xấu. Thực tế, liên kết thực chất là các ngân hàng thương mại hỗ trợ nhau để kiểm soát nguồn vốn.

Thông qua chương trình, dòng tiền vốn sẽ đi trực tiếp đến các nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ. Chương trình do VNCB tổ chức và làm đầu mối và Thiên Thanh đóng vai trò cầu nối, kết nối giữa nhà sản xuất và nhà thầu để đẩy mạnh công tác tiêu thụ vật liệu xây dựng, cùng với kêu gọi các ngân hàng tham gia hỗ trợ cho các dự án vay vốn. 

Theo ông Phan Thành Mai, các ngân hàng sẽ căn cứ trên số lượng hàng hóa vật liệu đã chuyển trực tiếp từ đơn vị sản xuất vào công trình trước đó để cấp hạn mức tín dụng cho vay. 

Việc tiếp cận được vốn vay trong chương trình hay không là tùy thuộc vào tính khả thi của dự án. Công tác thẩm định và yêu cầu dự án vẫn tuân thủ theo nguyên tắc tín dụng thông thường, lãi suất theo mặt bằng lãi suất thị trường.

Với chương trình này, nguồn tiền không tung ra trên thị trường lưu thông mà được luân chuyển từ người mua đến tài khoản người bán theo tiến độ công trình nhập vật tư. Do đó, không lo nguồn vốn vay bị chủ đầu tư dự án thực hiện sai mục đích. 

Một trong những đối tượng, chuỗi liên kết hỗ trợ tập trung là những dự án đang thi công dở dang, tiếp tục có nguồn vốn triển khai tiếp công trình để đưa sản phẩm ra thị trường, giúp giảm thiểu bất động sản tồn kho. 

Ông Mai cho rằng, nếu chủ đầu tư tự đi tìm các loại vật liệu xây dựng cho mình thì giá sẽ không tốt bằng giá của một đơn vị đi đặt một đơn hàng quy mô lớn, khi này họ sẽ có mức chiết khấu hơn, từ đó có thể đưa ra giá thành sản phẩm rẻ hơn.

TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá mối liên kết “4 nhà” đã phát huy vai trò khi triển khai công trình quốc lộ 14 và 1A. 

Nay, công bố triển khai chương trình liên kết “4 nhà” sẽ có cơ hội triển khai rộng cho các công trình nội đô, qua đó sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng đều nợ ngân hàng, và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao. 

Theo ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, đến nay nợ đọng xây dựng cơ bản của ngân sách là 90.000 tỷ đồng.

Đại Dương

Theo Báo Tiền Phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,905

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]