Ngân hàng hoàn lại tiền nếu dự án nhà ở chậm tiến độ

25/06/2015 08:36 AM

Khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho người mua nhà như đúng cam kết, trường hợp người mua nhà cần lấy lại tiền thì ngân hàng đã nhận bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại tiền cho người mua.

Với quy định mới này, khách hàng hoàn toàn yên tâm đi mua nhà ở, không còn chịu thiệt thòi khi nhiều chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Vũ Văn Phấn - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - đã khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm về bảo lãnh dự án bất động sản liệu có rủi ro cho khách hàng do Cổng thông tin điện tử của Chính phủ tổ chức chiều 24-6.

Cụ thể, ông Phấn cho biết từ ngày 1-7 trở đi, theo Luật kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh ngân hàng thì mới được bán, hoặc cho thuê mua sản phẩm.

Khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho người mua nhà như đúng cam kết, trường hợp người mua nhà cần lấy lại tiền thì ngân hàng đã nhận bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại tiền cho người mua.

Với quy định mới này khách hàng hoàn toàn yên tâm đi mua nhà ở chứ không thể xảy ra tình trạng lâu nay người mua nhà luôn chịu thiệt thòi khi nhiều chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ.

“Mục tiêu chính của việc yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh của ngân hàng thì mới được bán và cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng có quyền hỏi chủ đầu tư đã mua bảo lãnh ngân hàng cho dự án hay chưa?” - ông Phấn khẳng định.

Tuy nhiên, cả người mua nhà và doanh nghiệp đều quan tâm ngân hàng sẽ bảo lãnh theo kiểu tín chấp hay thế chấp, mức phí bảo lãnh là bao nhiêu?

Về vấn đề này, ông Đoàn Thái Sơn - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết phí bảo lãnh ngân hàng sẽ do chủ đầu tư và ngân hàng nhận bảo lãnh thỏa thuận với nhau theo thị trường dựa theo một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mức độ rủi ro, tính khả thi của từng dự án.

Cùng quan điểm này, theo ông Phấn, dự án có rủi ro càng nhiều thì mức phí bảo lãnh càng cao và ngược lại. Khi chủ đầu tư tìm tới ngân hàng sẽ được xem xét về năng lực, uy tín của chủ đầu tư về việc trả nợ vay vốn. Như mức phí bảo lãnh mà Hàn Quốc áp dụng là 0,4-0,8% giá bán.

Mặt khác, các ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng như đại diện Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng mức phí bảo lãnh sẽ làm tăng giá bán nhà ở. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, với căn nhà có giá trị 2,5 tỉ đồng thì mức phí bảo lãnh thấp nhất khoảng 8 triệu đồng và cao nhất trên 30 triệu đồng.

LÊ THANH

Theo Tuổi Trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,230

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn