Chuyển đổi số 17/09/2024 18:45 PM

09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
17/09/2024 18:45 PM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các nội dung về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, trong đó đảm bảo 09 nguyên tắc.

09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương

09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương (Hình từ Internet)

09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương

Tại Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện từ phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thành công từ Đề án 06 giúp rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cần được các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc tiếp tục học tập, phát huy và mở rộng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trên tinh thần đó, để khắc phục tồn tại trong thời gian vừa qua, tạo động lực, đột phá cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên 09 nguyên tắc sau:

(1) Lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương.

(2) Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

(3) Các vấn đề đưa vào đề án phải cụ thể, tường minh, đo lường được (ưu tiên bằng hình thức trực tuyến thông qua các nền tảng số), phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

(4) Đề án cần bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai ngay dựa trên nhu cầu thực tiễn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành mà không cần phải sửa đổi thể chế và chính sách.

(5) Phân định rõ danh mục nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí.

(6) Bảo đảm đồng bộ với các chương trình, chiến lược của quốc gia, ngành, lĩnh vực; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số để tránh trùng lặp, tối ưu nguồn lực triển khai.

(7) Có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng.

(8) Ngân sách triển khai đề án được cân đối từ ngân sách của bộ, ngành, địa phương và được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

(9) Việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện đề án phải bảo đảm tuân thủ quy trình thủ tục và nguồn lực thực hiện đề án theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,150

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]