Mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng cho đấu thầu theo Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT (Hình từ internet)
Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
Theo đó, mẫu báo cáo thẩm định được sử dụng cho đấu thầu qua mạng và đấu thầu không qua mạng, bao gồm:
- Mẫu số 3A sử dụng để lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu;
Mẫu số 3A |
- Mẫu số 3B sử dụng để lập báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi Áo hồ sơ, gói thầu áp dụng hình thức chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường;
Mẫu số 3B |
- Mẫu số 3C sử dụng để lập báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Mẫu số 3C |
Việc lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu của gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn, gói thầu áp dụng hình thức chào giá trực tuyến, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp được vận dụng các mẫu quy định tại khoản này trên cơ sở bảo đảm không trái quy định của Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
(1) Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
- Nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;
- Nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;
- Nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển;
- Chủ đầu tư, bên mời thầu, trừ trường hợp nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tính chất gói thầu của cơ quan quản lý nhà nước đó hoặc là công ty thành viên, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính phù hợp với tính chất gói thầu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó.
(2) Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định và với các bên sau đây:
- Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;
- Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.
(3) Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng, nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhau.
(4) Nhà thầu quy định trên được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;
- Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
- Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
(5) Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
- Cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu;
- Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.
(Điều 6 Luật Đấu thầu 2023)