Án lệ 11/01/2023 11:40 AM

Tổng hợp 18 dự thảo án lệ mới nhất (có file PDF tải về)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến đối với 18 dự thảo án lệ, trong đó có 06 án lệ hình sự, 03 án lệ đất đai,...

Tổng hợp file PDF 18 dự thảo án lệ mới nhất

Tổng hợp file PDF 18 dự thảo án lệ mới nhất

Nội dung 18 Dự thảo án lệ

18 dự thảo án lệ

1. Dự thảo án lệ số 01 về áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người khuyết tật đặc biệt nặng” (Bản án hình sự phúc thẩm số 80/2020/HS- PT ngày 17/7/2020 của TAND tỉnh Bình Định về vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Văn B).

Tình huống pháp lý (THPL): Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo được cơ quan có thẩm quyền kết luận là người khuyết tật đặc biệt nặng".

Giải pháp pháp lý (GPPL): Trường hợp này, Toà án phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người khuyết tật đặc biệt nặng”.

2. Dự thảo án lệ số 02 về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội “Cướp giật tài sản” (Bản án hình sự phúc thẩm số 590/2020/HS-PT ngày 18/12/2020 của Toà án nhân dân TP HCM về vụ án “Cướp giật tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thành Quốc B).

THPL: Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.

GPPL: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản”.

3. Dự thảo án lệ số 03 về tình tiết định khung hình phạt tại điểm c khoản 3 Điều 244 của Bộ luật Hình sự (Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HSST ngày 14/9/2018 của TAND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với bị cáo Hoàng Đình Q).

THPL: Bị cáo có hành vi vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 6.

GPPL: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

4. Dự thảo án lệ số 04 về nhận thức của người phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Bản án hình sự sơ thẩm số 09/2020/HSST ngày 16/01/2020 của TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với bị cáo Vũ Văn L).

THPL: Trong vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, bị cáo khai không biết đối tượng mà mình xâm phạm là động vật nguy cấp, quý, hiếm.

GPPL: Trường hợp này, bị cáo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

5. Dự thảo án lệ số 05 về xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022/HS-GĐT ngày 04/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với các bị cáo Bùi Đăng V, Hoàng Ngọc N, Lưu Phước C).

THPL: Người phạm tội dùng giấy tờ giả về nhân thân để thuê xe ô tô, sau đó dùng giấy tờ giả về nhân thân và giấy tờ giả về xe để cầm cố xe ô tô cho người khác để lấy tiền.

GPPL: Trường hợp này, phải xác định người cho thuê xe ô tô là bị hại, người nhận cầm cố xe ô tô là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

6. Dự thảo án lệ số 06 về lỗi cố ý gián tiếp trong vụ án “Giết người” (Bản án phúc thẩm số 50/2020/HS-PT ngày 10/12/2020 của TAND tỉnh Yên Bái về vụ án “Giết người” đối với các bị cáo Triệu Văn M, Đặng Văn T).

THPL: Bị cáo dùng hung khí tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.

GPPL: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp. Về Dân sự, Kinh doanh, Thương mại có 07 dự thảo

7. Dự thảo án lệ số 07 về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người mua nhà về diện tích xây dựng của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (Bản số 512/2020/DS-PT ngày 12/6/2020 của TAND thành án phúc thẩm Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thu N, bà Bùi Nguyễn Thùy T, ông Trần Nam A với bị đơn là Công ty cổ phần xây dựng S).

THPL: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (bên bán nhà) ký hợp đồng bán nhà cho khách hàng (bên mua nhà), nhưng đưa ra thông tin không rõ ràng và đầy đủ về hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế từng căn nhà cụ thể... Bên mua nhà đã trả đủ tiền mua nhà theo diện tích xây dựng ghi trong hợp đồng, nhưng khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì diện tích nhà không đủ so với diện tích nhà thỏa thuận trong hợp đồng.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên bán nhà là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết về tài sản mua bán cho bên mua nhà theo quy định pháp luật, để buộc bên bán nhà phải trả lại số tiền chênh lệch giá trị căn nhà theo diện tích sàn xây dựng nhà trong hợp đồng với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà được cấp.

8. Dự thảo án lệ số 08 về xử lý tài sản được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba (Quyết định giám đốc thẩm số 32/2020/DS- GĐT ngày 13/7/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” giữa nguyên đơn là ông Phạm Tiến A, bị đơn là Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh B).

THPL: Cá nhân dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người thứ ba đối với tổ chức tín dụng.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ thì tổ chức tín dụng phải thông báo cho cá nhân dùng tài sản bảo đảm về việc người thứ ba còn nợ tiền gốc, tiền lãi và ấn định thời gian để người bảo đảm trả nợ thay; trong trường hợp không trả nợ thay, tổ chức tín dụng mới được yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm.

9. Dự thảo án lệ số 09 về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán (Quyết định giám đốc thẩm số 30/2022/DS-GĐT ngày 24/8/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần A với bị đơn là ông Quan T và bà Trần Huỳnh N).

THPL: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được công chứng, bên mua đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhưng mới thanh toán được một phần tiền mua nhà đất; các bên chưa thực hiện việc giao nhận nhà. Bên mua thế chấp nhà đất cho Ngân hàng, có đăng ký thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật; Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án kê biên, bán tài sản thế chấp trong trường hợp bên vay không thanh toán đầy đủ số tiền nợ.

10. Dự thảo án lệ số 10 về thời hạn trả thưởng xổ số kiến thiết (Quyết định giám đốc thẩm số 239/2022/DS-GĐT ngày 05/9/2022 của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết” giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết A).

THPL: Thể lệ tham gia dự thưởng của công ty phát hành xổ số kiến thiết xác định thời hạn trả thưởng đối với vé số trúng thưởng được tính theo ngày.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định ngày cuối cùng của thời hạn trả thưởng theo quy định của Điều 148 Bộ luật Dân sự.

11. Dự thảo án lệ số 11 về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được (Quyết định giám đốc thẩm số 20/2022/KDTM-GĐT ngày 22/8/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng chuyển vụ nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị H với bị đơn là bà Nguyễn Thị N).

THPL: Các bên giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng diện tích đất không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng quyền sử dụng đất vô hiệu do đối tượng không thể thực hiện được.

12. Dự thảo án lệ số 12 về sự việc đã được giải quyết bằng một phán quyết trọng tài (Quyết định giám đốc thẩm số 34/2022/DS-GĐT ngày 23/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về án dân sự “Tuyên bố vụ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất vô hiệu, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản” giữa nguyên đơn là ông Lê Minh T1 và bà Lê Thị Thanh T2 với bị đơn là ông Phạm Quốc G và bà Nguyễn Thụy Phương Q).

THPL: Sự việc đã được giải quyết bởi một phán quyết trọng tài và Tòa án được yêu cầu giải quyết.

GPPL: Trong trường hợp này, Tòa án không được thụ lý xem xét, giải quyết lại do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

13. Dự thảo án lệ số 13 về trách nhiệm của Ngân hàng đối với Thư bảo lãnh do Giám đốc chi nhánh Ngân hàng ký (Quyết định giám đốc thẩm số 09/2022/KDTM-GĐT ngày 24/8/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa nguyên đơn là bà Đinh Thị T với bị đơn là Ngân hàng A).

THPL: Giám đốc chi nhánh Ngân hàng ký phát hành Thư bảo lãnh để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay của khách hàng (bên vay) với người khác (bên cho vay). Theo quy định nội bộ của ngân hàng thì Giám đốc chi nhánh Ngân hàng không có thẩm quyền ký phát hành Thư bảo lãnh.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên cho vay không buộc phải biết quy định nội bộ của ngân hàng; Ngân hàng phải chịu trách nhiệm thực hiện cam kết bảo lãnh tại Thư bảo lãnh. Về Hôn nhân và gia đình có 3 dự thảo

14. Dự thảo án lệ số 14 về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con” (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022/HNGĐ-GĐT ngày 26/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con” giữa nguyên đơn là bà Đỗ Thị Kim H với bị đơn là ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L).

THPL: Trong vụ án hôn nhân và gia đình, người mẹ (cha) đồng ý để người còn lại nuôi con chung. Sau đó, người mẹ (cha) có đơn khởi kiện tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người mẹ (cha) có nghĩa vụ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

15. Dự thảo án lệ số15 về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên (Quyết định sơ thẩm số 87/2019/QĐST-HNGĐ ngày 24/4/2019 của TAND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về việc “yêu cầu chấm việc nuôi con nuôi”, người yêu cầu là ông Trần Công T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T).

THPL: Cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha đẻ, mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; con nuôi có nguyện vọng được về sống với cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

16. Dự thảo án lệ số 16 về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con (Bản án phúc thẩm số 07/2018/HN-PT ngày 22/3/2018 của TAND tỉnh Bình Phước về vụ án hôn nhân và gia đình “Xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con” giữa nguyên đơn là chị Lê Thị D với bị đơn là anh Trịnh Vinh C).

THPL: Sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Tòa án xác định bị đơn là cha đẻ của người con và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ khi người con được sinh ra. Về Hành chính có 2 dự thảo

17. Dự thảo án lệ số 17 về việc xác định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân (Bản án hành chính sơ thẩm số 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 của TAND tỉnh Bến Tre “Về việc khiếu kiện quyết định truy thu thuế” giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Việt C, người bị kiện là Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố B và Cục trưởng Cục thuế tỉnh B).

THPL: Cá nhân tham gia mua bán tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên mạng internet, có thu nhập từ việc này và bị cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

GPPL: Trường hợp này, Tòa án phải xác định tiền kỹ thuật số (tiền ảo) không phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật và tuyên hủy quyết định truy thu thuế của cơ quan thuế.

18. Dự thảo án lệ số 18 về xem xét quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2018/HC-GĐT ngày 23/10/2018 của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị và yêu cầu đòi bồi thường do hành vi cưỡng chế gây ra” giữa người khởi kiện là ông Lê Hữu T, bà Lê Thị Ngọc L với người bị kiện là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường A).

THPL: Người khởi kiện khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính nhưng chỉ có hành vi hành chính còn thời hiệu khởi kiện.

GPPL: Trường hợp này, Toà án phải giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi hành chính và có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,337

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]