Án lệ 27/12/2022 14:54 PM

Lựa chọn các bản án hành chính đã có hiệu lực để phát triển thành án lệ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My

Ngày 21/12/2022, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 217/TANDTC-GĐKTIII về nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Lựa chọn các bản án hành chính đã có hiệu lực để phát triển thành án lệ

Lựa chọn các bản án hành chính đã có hiệu lực để phát triển thành án lệ (Hình từ internet)

Theo đó, về bảo đảm tiến độ và chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện:

Lựa chọn các bản án hành chính đã có hiệu lực để phát triển thành án lệ

Tổ chức nghiên cứu các án lệ về hành chính đã công bố; nghiên cứu các bản án đã có hiệu lực pháp luật, lựa chọn, đề xuất phát triển án lệ; tiến hành rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, giải đáp.

Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử các vụ án hành chính

- Tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thụ lý, tiến độ giải quyết các vụ án hành chính; thống kê, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết xong do có khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm; không để tồn đọng.

- Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử các vụ án hành chính. Trước mắt, tổ chức ngay việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế trong giải quyết các vụ án hành chính qua kiểm tra công tác chuyên môn; kịp thời khắc phục các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ án; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong kết luận của các Đoàn kiểm tra và trong các báo cáo tổng hợp kết quả công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm của Tòa án nhân dân tối cao. Thông qua việc rút kinh nghiệm, phải chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến án bị hủy, sửa; nguyên nhân dẫn đến thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài. Trên cơ sở đó xác định biện pháp khắc phục cụ thể.

Chú trọng bảo đảm chất lượng các phiên đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính

- Quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần chỉ đạo thực hiện đúng các quy định về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính; chú trọng bảo đảm chất lượng các phiên đối thoại, nâng tỷ lệ đối thoại thành các vụ án; khuyến khích việc tổ chức các phiên đối thoại tại trụ sở Ủy ban nhân dân.

- Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại, xét xử các vụ án hành chính; thực hiện nghiêm quy định của Luật tố tụng hành chính về thủ tục thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ. Thông báo trước cho các đương sự thời gian tổ chức phiên đối thoại, phiên tòa với khoảng thời gian phù hợp để các dương sự, đặc biệt là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ động bố trí thời gian, cử đại diện tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa. Các Tòa án nhân dân cấp cao tăng cường tổ chức các phiên tòa tại địa phương nơi có khiếu kiện, để thuận tiện cho các đương sự khi tham gia phiên tòa.

Tiếp tục xét xử trực tuyến vụ án hành chính

- Tiếp tục thực hiện việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BQP-BTP.

- Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm; nếu khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh để Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo giải quyết.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,573

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn