17/11/2020 16:42

Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về miễn án phí ở giai đoạn sơ thẩm

Vướng mắc trong việc áp dụng quy định về miễn án phí ở giai đoạn sơ thẩm

Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về trường hợp miễn án phí đối với bị cáo, bị hại và đương sự là người nước ngoài thuộc trường hợp người cao tuổi và trường hợp một bên đương sự được miễn án phí có được tự nguyện chịu án phí thay cho phần án phí của các đương sự còn lại trong vụ án hay không.

Án phí và ý nghĩa của việc thu án phí

Theo giải thích của Từ điển Luật học, thì “án phí” là “khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định”. Theo đó, có thể hiểu án phí là số tiền mà người có nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước khi vụ án được Tòa án giải quyết bằng việc ra bản án, quyết định. Trong các bản án, quyết định giải quyết vụ án, bên cạnh việc Tòa án quyết định giải quyết các vấn đề về nội dung của vụ án, thì còn quyết định về án phí mà người có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Việc thu án phí vừa phản ánh đúng bản chất của vụ án, vừa có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ án, góp phần bảo đảm thực hiện được chính sách tài chính của nhà nước. Trong vụ án dân sự, đương sự là người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án và việc Tòa án giải quyết vụ án là vì lợi ích riêng của đương sự, nên buộc họ phải chịu một phần các chi phí tố tụng là điều hợp lý. Ngoài ra, việc thu án phí liên quan đến tài chính của đương sự, nên phần nào có tác dụng buộc họ phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi khởi kiện ra Tòa án. Thông qua đó, cũng ngăn ngừa, hạn chế được việc khởi kiện trong trường hợp không có căn cứ, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự nhằm gây khó khăn, phức tạp cho việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án. Mặt khác, việc thu án phí còn góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bù đắp lại một phần chi phí của nhà nước cho công tác xét xử của Tòa án, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bị cáo, bị hại là người cao tuổi, thì có được miễn án phí hình sự sơ thẩm hay không?

Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt là Nghị quyết 326) quy định những trường hợp được miễn tiền án phí, trong đó có người cao tuổi. Tại Điều 2 của Luật người cao tuổi năm 2009“Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Như vậy, người từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ được miễn tiền án phí, nếu họ có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị quyết 326.

Có quan điểm cho rằng, các trường hợp được miễn án phí quy định tại Điều 12 thuộc Chương I, những quy định chung của Nghị quyết 326 và điều luật sử dụng thuật ngữ “người cao tuổi” mà không sử dụng thuật ngữ “đương sự là người cao tuổi” để loại trừ trường hợp bị cáo, bị hại là người cao tuổi. Do đó, nếu bị cáo bị kết án hoặc vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố nên vụ án bị đình chỉ, mà họ là người cao tuổi và có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn thì họ vẫn được miễn án phí theo quy định.

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 136 của BLTTHS năm 2015:

“2. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án.

Trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ khi có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì bị hại phải trả án phí.”

Tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326 hướng dẫn như sau:

“a) Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm;

b) Bị hại đã yêu cầu khởi tố phải chịu án phí hình sự sơ thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, mà sau đó Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.”

Các quy định nêu trên đều không có quy định về trường hợp loại trừ đối với bị cáo, bị hại được miễn án phí tương tự như đối với trường hợp đương sự được miễn án phí trong vụ án dân sự và hành chính.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”. Tại Điều 26 Nghị quyết 326 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án dân sự: “Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”. Và tại Điều 32 Nghị quyết 326 quy định về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm trong vụ án hành chính: “Đương sự phải chịu án phí hành chính sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp tiền án phí hoặc không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm”.

Tác giả cho rằng, quy định tại Điều 12 là quy định chung về những trường hợp được miễn án phí, còn quy định tại các điều 23, 26 và 32 của Nghị quyết 326 là quy định riêng cho vấn đề xử lý án phí đối với các loại án cụ thể như hình sự, dân sự và hành chính. Để kết luận việc bị cáo, bị hại thuộc trường hợp người cao tuổi có được miễn án phí hay không, thì phải xem xét quy định tại Điều 23 Nghị quyết 326 trên tổng thể các quy định tương tự còn lại của Nghị quyết 326. Trong trường hợp này, tác giả cho rằng ngoại lệ phủ định nguyên tắc, tức là áp dụng quy định riêng loại bỏ áp dụng quy định chung. Tức là, bị cáo bị kết tội thuộc trường hợp người cao tuổi và vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại (bị hại là người cao tuổi), nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố nên vụ án bị đình chỉ, thì họ vẫn phải chịu án phí sơ hình sự sơ thẩm.

Đương sự là người nước ngoài thuộc trường hợp người cao tuổi, thì có được miễn án phí hay không?

Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Còn đương sự trong vụ án hành chính bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 không khái niệm hay giải thích như thế nào được coi là người nước ngoài, nhưng dựa vào quy định tại Điều 3 thì có thể hiểu người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, cũng không nêu khái niệm người nước ngoài mà chỉ quy định về các trường hợp đương sự ở nước ngoài:

1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự

đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009, thì: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.

Có quan điểm cho rằng, đương sự là người nước ngoài thuộc trường hợp người cao tuổi nếu có đơn đề nghị miễn án phí thì Tòa án không chấp nhận, vì Luật Người cao tuổi chỉ quy định dành riêng cho đối tượng là công dân Việt Nam.

Tác giả không đồng tình với quan điểm nêu trên. Bởi lẽ, việc áp dụng quy định về miễn án phí phải căn cứ vào quy định của luật tố tụng và phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 326 không có quy định trường hợp loại trừ không áp dụng đối với người nước ngoài. Mặt khác, việc căn cứ vào Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009 chỉ nhằm mục đích xác định độ tuổi của đương sự là bao nhiêu mới được coi là người cao tuổi theo quy định của Nghị quyết 326, chứ không xem xét đến đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Luật Người cao tuổi.

Một bên đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí, thì có được tự nguyện chịu thay phần án phí cho bên đương sự còn lại trong vụ án hay không?

Thực tiễn pháp sinh không ít trường hợp, điển hình như: Vụ án “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản và hụi”, giữa nguyên đơn bà Phạm Ngọc Đ và bà Võ Thị Tuyết M với bị đơn bà Lê Thị Kim Q, ông Huỳnh Văn G, chị Huỳnh Lê Xuân Đ và chị Huỳnh Lê Cẩm T. Bị đơn bà Q và ông G đều là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi năm 2009. Do vậy, khi Thẩm phán tiến hành hòa giải các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Khi hòa giải, bà Q và ông G do biết được họ là người cao tuổi sẽ được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326, nên họ cùng có đơn đề nghị miễn án phí và tự nguyện chịu luôn khoản tiền 25% án phí mà lẽ ra nguyên đơn phải chịu.

Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 của BLTTDS năm 2015:

3. Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giảinếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này

Trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Tại khoản 7 và khoản 9 Điều 12 của Nghị quyết 326 quy định:

“7. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch…

Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.”

Trong trường hợp này, lẽ ra Thẩm phán phải giải thích cho bà Q và ông G: Về nguyên tắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định. Tức là, trong trường hợp đương sự phải nộp tiền án phí, thì họ chỉ được miễn tiền án phí đối với phần nghĩa vụ về án phí mà họ phải chịu. Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 205 của BLTTDS năm 2015 về nguyên tắc tiến hành hòa giải, thì: Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Và tại khoản 1 Điều 10 của BLDS năm 2015 quy định về giới hạn thực hiện quyền dân sự, thì: Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Do đó, nội dung thỏa thuận của các đương sự trong vụ án thống nhất để bị đơn bà Q, ông G và 02 bị đơn khác tự nguyện chịu toàn bộ 50% tiền án phí (để phần bà Q, ông G được miễn án phí) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

1617

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn