05/11/2020 07:48

Tài sản chung không còn, đương sự có phải chịu án phí?

Tài sản chung không còn, đương sự có phải chịu án phí?

Đối với trường hợp đương sự yêu cầu chia tài sản chung nhưng tài sản này không còn thì bên đương sự đã từng quản lý tài sản chung đó có phải chịu án phí chia tài sản chung không, thì thực tiễn vẫn còn nhận thức khác nhau.

Theo quy định điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 về án phí, lệ phí Tòa án thì đối với trường hợp đương sự có tranh chấp về chia tài sản chung thì họ phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. Trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết, các đương sự có tài sản chung nhưng không thống nhất phân chia và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, đối với trường hợp đương sự yêu cầu chia tài sản chung nhưng tài sản này không còn. Vậy bên đương sự đã từng quản lý tài sản chung đó có phải chịu án phí chia tài sản chung không thì thực tiễn vẫn còn nhận thức khác nhau.

Nội dung vụ việc như sau: Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn T khởi kiện yêu cầu bị đơn là bà Trần Hồng H; giải quyết việc nuôi con chung và yêu cầu bà H phải chia cho ông ½ số tiền là tài sản chung của vợ chồng do bà H giữ trước khi vợ chồng ly thân. Số tiền ông T yêu cầu 15 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, bà H cho rằng trước khi ly thân, vợ chồng có chung 30 triệu đồng như ông T trình bày. Tuy nhiên, trong thời gian vợ chồng ly thân là hơn 01 năm, bà phải lo chi phí sinh hoạt, học tập và hai con và chi phí chữa bệnh của bà tại Bệnh viện Ch ở thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên số tiền này hiện nay không còn nữa. Nhưng vì ông T muốn chia số tiền này nên bà cũng chấp nhận trả cho ông T số tiền 15 triệu đồng. Do các đương sự thỏa thuận giải quyết các vấn đề trong vụ án nên Tòa án lập biên bản ghi nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự. Vấn đề còn nhận thức khác nhau là bà H có phải chịu án phí chia tài sản chung không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất có tài sản chung là 30 triệu đồng. Mặc dù bà H cho rằng số tiền này không còn nhưng đồng ý chia cho ông T là 15 triệu đồng. Nên số tiền bà H được hưởng là 15 triệu đồng. Vì vậy, bà H phải chịu án phí tương ứng với số tiền bà H được hưởng như đối với ông T là: 15 triệu đồng x 5% x ½ = 375.000 đồng.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Khác với trường hợp vợ chồng đang có tài sản chung nhưng không thỏa thuận được việc phân chia và thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong vụ án nêu trên, xét về phạm vi khởi kiện, chỉ có ông T mới là bên yêu cầu bà H phải trả cho ông ½ tài sản chung vì bà H là người quản lý số tiền này. Do đó, Tòa án chỉ xem xét yêu cầu này của ông T là có buộc bà H phải trả cho ông T số tiền 15 triệu đồng hay không. Còn bà H không có yêu cầu Tòa án phải chia cho bà 15 triệu đồng. Mặc khác, có căn cứ xác định trong thời gian ly thân, bà H đã chi tiêu hết số tiền 30 triệu đồng. Nhưng vì bà H chi tiêu không có sự bàn bạc với ông T nên bà H phải trả lại cho ông T số tiền 15 triệu đồng. Do đó, chỉ có ông T mới phải chịu án phí đối với phần tài sản chung ông T được hưởng do yêu cầu của ông được Tòa án chấp nhận. Còn bà H không phải chịu án phí do bà H không có yêu cầu chia tài sản chung. Đồng thời, do tại thời điểm giải quyết, số tiền mà bà H quản lý trước đó không còn nữa.

Rất mong bạn đọc cùng nghiên cứu trao đổi thêm vấn đề nêu trên.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

897

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn