06/03/2021 10:59

Một số bất cập và hạn chế trong quy định về "án phí dân sự" và "án phí hình sự"

Một số bất cập và hạn chế trong quy định về "án phí dân sự" và "án phí hình sự"

Án phí dân sự và án phí hình sự hiện nay được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTDS) năm 2015, BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (“Nghị quyết số 326”). Nhìn chung các quy định tại các văn bản pháp lý nêu trên là phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động xét xử. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng thì những quy định này cũng đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế và vướng mắc nhất định.

Những thiếu sót, hạn chế và vướng mắc nhất định về án phí dân sự và án phí hình sự cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngoài khái niệm về “phí” được định nghĩa trong Điều 3 Luật Phí, Lệ phí năm 2015, theo đó: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này.”, thì hệ thống pháp luật hiện nay chưa có quy định nào giải thích về khái niệm án phí. Điều này đã dẫn đến những cách hiểu, định nghĩa khác nhau về án phí. Trong khi đó, án phí là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng rất thường xuyên trong lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật, là một phần không thể thiếu trong các bản án hoặc quyết định giải quyết các vụ án của Tòa án. Do đó, cần phải có quy định giải thích về khái niệm của án phí, để đảm bảo sự nhận thức thống nhất và chính xác trong lý luận, cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật.

Thứ hai, theo quy định của BLTTDS năm 2015 (Điều 146 và Điều147), Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2015 (khoản 1 Điều 347, Khoản 1 Điều 348) và Nghị quyết 326 (Khoản 3 Điều 22, khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 26, Điều 28, khoản 1 Điều 29, khoản 1 Điều 31, khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 34) thì trong các vụ án dân sự, hành chính và phần dân sự trong vụ án hành chính và phần dân sự trong vụ án hình sự thì các đương sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, chịu án phí  “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp/không phải chịu tiền tạm ứng án phí, án phí”. 

Trong khi đó, khoản 1 Điều 136 BLTTHS năm 2015 quy định: “Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án.” Đồng thời, điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326 cũng quy định “người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm”. Các Điều luật này đều không có quy định “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí”. Điều này dẫn đến cách hiểu là việc miễn, giảm án phí không áp dụng cho các đối tượng là người bị kết án trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, có quan điểm khác lại cho rằng các trường hợp được miễn, giảm án phí theo Điều 12 và Điều 13 Nghị quyết số 326 là các quy định chung, áp dụng trong tất cả các vụ án về hình sự, hành chính và dân sự. Do đó, người bị kết án nếu thuộc các đối tượng được quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị quyết số 326 thì sẽ được niễm, giảm tiền án phí. Đây là cách hiểu hợp lý hơn quan điểm thứ nhất, vì phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự và nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật pháp, cũng như đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người bị kết án. 

Vì vậy, để tránh các cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau, cũng như đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị kết án thì cần bổ sung các quy định nêu trên, theo đó người bị kết án phải chịu án phí, “trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí”. 

Thứ ba, theo quy định của Nghị quyết số 326 đối với các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí (Điều 11) thì đương nhiên không phải nộp tiền tạm ứng án phí và không phải chịu án phí mà không cần có đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Tuy nhiên, các trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí (Điều 12 và Điều 13) thì muốn được miễn, giảm đều phải “có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm”. Trên cơ sở đơn đề nghị và các tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí (Điều 14 và Điều 15).

Do đó, những đối tượng thuộc trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị quyết số 326 nhưng không có đơn đề nghị, hoặc không giao nộp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm thì sẽ thì sẽ không được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí.

Quy định nêu trên là hợp lý, phù hợp với quyền tự định đoạt của đương sự, đảm bảo sự chặt chẽ, tránh việc miễn, giảm tiền tạm ứng án phí và án phí không đúng đối tượng, gây thất thoát cho ngân sách. Tuy nhiên, pháp luật lại không có quy định cụ thể về các loại tài liệu, chứng cứ chứng minh đương sự thuộc trường hợp miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, nhiều khi gây khó khăn, phiền hà cho các đương sự. Mặt khác, không phải đương sự nào cũng hiểu biết pháp luật, biết mình thuộc trường hợp được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí để có thể nộp đơn đề nghị và các tài liêu, chứng cứ cho Tòa án. Có trường hợp, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự đã trình bày mong muốn được miễn, giảm án phí nhưng lại không được Thẩm phán giải thích rõ ràng nên đã không làm đơn đề nghị và nộp các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật. 

Do đó, để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho các đương sự và sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật thì cần bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ của Thẩm phán và Hội đồng xét xử trong việc giải thích cho đương sự về các trường hợp được miễn, giảm, cũng như có các quy định cụ thể về các tài liệu, chứng cứ (đối với từng trường hợp) mà đương sự phải nộp cho Tòa án, để được miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí. 

Thứ tư, tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 quy định “đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên thực tế, có các thôn (ấp, khóm, phum, sóc.v.v..) có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng xã đó lại không phải là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (được quy định tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Vì vậy, các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn này sẽ không được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí, do không thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326.

Vì vậy, quy định này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, cũng như không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, với những điều kiện đặc thù tương tự như xã đặc biệt khó khăn. Cho nên, cần sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 theo hướng đồng bào dân tộc thiểu số ở những “nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Thứ năm, việc hòa giải thành sẽ giúp giải quyết tranh chấp một cách triệt để, hiệu quả, và nhanh chóng mà không phải đưa vụ án ra xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các đương sự và Tòa án. Do đó, khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.” Tương tự, tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 cũng quy định: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.”  Tuy nhiên, mức án phí 50% nêu trên vẫn là cao, chưa thực sự khuyến khích được các đương sự tiến hành hòa giải, tránh việc phải đưa vụ án ra xét xử. Do đó, để khuyến khích các đương sự tích cực, thiện chí hơn trong việc hòa giải và có thể hòa giải thành mà không phải đưa vụ án ra xét xử thì cần quy định mức án phí thấp hơn, cụ thể là 30% mức án phí sơ thẩm theo quy định.

Mặt khác, các Điều luật nêu trên không có quy định rõ là đương sự nào phải chịu án phí và chịu bao nhiêu phần trăm. Do đó, dẫn đến hai cách hiểu khác nhau, không thống nhất về quy định này.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì các bên phải chịu một nửa tổng số án phí mà các bên phải chịu, tức là mỗi bên chịu phần án phí bằng nhau, sau khi đã giảm 50% so với án phí khi đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 

Ý kiến thứ hai cho rằng, pháp luật không quy định là khi hòa giải thành thì các đương sự có nghĩa vụ phải chịu 50% trên tổng số tiền án phí quy định các đương sự phải chịu, nếu các đương sự không thỏa thuận được án phí. Vì vậy, khi Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trước khi mở phiên tòa (do hòa giải thành) thì nghĩa vụ chịu án phí của đương sự là 50% án phí so với án phí khi đưa vụ án ra xét xử mà đương sự đó phải chịu, tính trên giá trị nghĩa vụ mà họ phải thực hiện, hoặc yêu cầu của họ đã không được các đương sự khác chấp nhận. Ví dụ, theo kết quả hòa giải thành mà bị đơn chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, thì bị đơn là bên thua kiện, sẽ phải là người phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Nghị quyết số 326, cụ thể: “Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.” Và do đã hòa giải thành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm nên bị đơn sẽ được giảm 50% số tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 và khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326.

Trong hai ý kiến trên thì quan điểm thứ nhất nhận được nhiều sự đồng tình hơn, vì các Điều luật quy định “họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm” hay “phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch” sẽ được hiểu là “tất cả các bên đương sự” khi tham gia vào quá trình thỏa thuận, hòa giải tranh chấp trong vụ án, không phải chỉ là một bên đương sự có nghĩa vụ, hoặc bên đương sự có yêu cầu không được các đương sự khác chấp nhận. Điều này thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự khi tham gia tố tụng và tương tự như án phí ly hôn trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn. Tại Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”. Quy định này có thể hiểu là trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định, tức là mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định (Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 của Tòa án nhân dân Tối cao).

Vì vậy, để các quy định về nội dung này trở nên rõ ràng hơn, tránh những cách hiểu không thống nhất thì cần bổ sung quy định “mức án phí được chia đều cho các bên, trừ khi các bên có thỏa thuận khác” tại khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 và khoản 7, Điều 26, Nghị quyết số 326.

Thứ sáu, tại Khoản 8 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định: “Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.”

Quy định nêu trên là chưa hợp lý, bởi vì hòa giải luôn là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu việt nhất, giúp giảm thiểu, hàn gắn, thậm chí xóa bỏ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích và tình cảm giữa các đương sự, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống văn hóa của người Việt Nam; kết quả hòa giải thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành, hạn chế được việc phải yêu cầu thi hành án, cũng như các tranh chấp mới có thể phát sinh trong tương lai; tăng cường xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân. Do vậy, hòa giải rất cần được khuyến khích và thúc đẩy, dù ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Chính vì vậy, để tạo thêm cơ chế và động lực thúc đẩy các đương sự lựa chọn và tích cực hòa giải với nhau thì cần sửa đổi quy định tại Khoản 8 Điều 26 Nghị quyết số 326 theo đó, nếu các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự cũng sẽ được giảm án phí, với mức giảm 50% mức án phí dân sự sơ thẩm theo quy định. 

Như vậy, án phí là những vấn đề pháp lý rất quan trọng, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các đương sự và khoản thu của ngân sách nhà nước. Do đó, các quy định pháp luật và quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến án phí cần phải đảm bảo được sự phù hợp, công bằng và chính xác. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các quy định về án phí, trong đó có án phí hình sự và án phí dân sự. Trước tiên, TANDTC cần phải có sự nghiên cứu và tổng kết thực tiễn xét xử, để có những giải đáp, hướng dẫn cụ thể, hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với những quy định còn có những bất cấp và vướng mắc, đảm bảo việc áp dụng pháp luật về án phí được chính xác và thống nhất trong thực tiễn.

Thạc sĩ. Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG-Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS-Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Nguồn: Luật sư Việt Nam

2580

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]