05/05/2021 13:43

Bàn về tính án phí đối với người cao tuổi

Bàn về tính án phí đối với người cao tuổi

Trong phạm vi bài viết này tác giả bàn về việc có nên quy định cho người cao tuổi được miễn đóng tạm ứng án phí, án phí khi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Việc đóng tạm ứng án phí là điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án khi nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự, tuy nhiên theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết 326) thì có một số trường hợp được miễn đóng tiền tạm ứng án phí, án phí như đối với trẻ em, người cao tuổi.

Theo từ điển Luật học của Nhà xuất bản từ điển Bách khoa và Nhà xuất bản Tư pháp năm 2006, trang 13, thì án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.

Theo điểm đ khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326 quy định: Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:… đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Theo Điều 14, người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.

Như vậy người cao tuổi là đối tượng được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí khi có đơn đề nghị miễn nộp tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên, hiện nay quy định này cũng phát sinh nhiều bất cập do đối tượng khởi kiện là người cao tuổi xảy ra nhiều và liên quan đến các tranh chấp có mâu thuẫn phức tạp liên quan đến đất đai và tài sản có giá trị lớn. Ví dụ cụ thể như sau:

Ngày 1/3/2021 bà A sinh năm 1955 (66 tuổi) khởi kiện ông B sinh năm 1972 tranh chấp quyền sử dụng đất diện tích 1.000m². Do bà A và ông B là chị em ruột nên tuy ông B đang đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài liệu chứng cứ do bà A cung cấp chưa đủ căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của bà A nhưng ông B tự nguyện cho bà A một phần đất trong diện tích đất tranh chấp 200m² và qua động viên hòa giải ông B đồng ý cho thêm bà A 100m² nhưng bà A không đồng ý và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình.

Tuy trong trường hợp trên bà A có quyền giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình nhưng qua đó lại có nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Như việc giải quyết các vụ án dân sự thì các bên có quyền tự thỏa thuận với nhau và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trường hợp này nếu bà A là người không thuộc đối tượng người cao tuổi được miễn án phí thì có thể bà A sẽ cân nhắc lại để xem xét thỏa thuận với ông B, do bà A là đối tượng được miễn án phí nên bà A không đồng ý thỏa thuận với ông B vì cho rằng nếu giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì chỉ được thêm chứ không có bớt và không phải mất khoảng chi phí nào khác.

Nếu bà A giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình thì hướng giải quyết như sau: Do bà A không đủ tài liệu chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình nên Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A nhưng sẽ chấp nhận sự tự nguyện của ông B giao cho bà A 300m². Trường hợp này tuy bà A không được Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện nhưng bà A thuộc đối tượng được miễn án phí nên bà A không phải đóng án phí do yêu cầu của bà A không được chấp nhận.

Sau khi xét xử sơ thẩm do yêu cầu của bà A không được chấp nhận nên bà A tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm để xét xử phúc thẩm. Tuy không có căn cứ nhưng do bà A được miễn án phí nên bà A vẫn kháng cáo dẫn đến phải giải quyết thêm một cấp xét xử nữa dù biết rằng yêu cầu của mình không được chấp nhận gây lãng phí thời gian và nhân lực giải quyết vụ án.

Như vậy tuy bà A biết những tài liệu chứng cứ của mình không đủ để Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của mình nhưng bà A vẫn không đồng ý thỏa thuận vì biết rằng nếu thỏa thuận thì bà A chỉ được phần thỏa thuận còn nếu không đồng ý thỏa thuận thì bà A có thể sẽ có thêm một khoảng lợi nào đó như trong tình huống trên ông B đã cho thêm bà A 100m² và nếu không được chấp nhận thì bà A cũng không phải đóng án phí. Nếu bà A không thuộc trường hợp được miễn án phí thì bà A sẽ cân nhắc về việc giữ nguyên yêu cầu thì có thể Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A, như vậy bà A phải đóng phần án phí mà Tòa án không chấp nhận.

Ngoài ra hiện nay không phải người cao tuổi nào cũng có hoàn cảnh khó khăn, đối với những người cao tuổi là đương sự trong các vụ án tranh chấp tài sản lớn nhưng họ vẫn được miễn án phí là chưa phù hợp, dù họ có đủ hoặc dư khả năng đóng án phí làm mất đi một khoản thu cho ngân sách nhà nước và gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Án phí là số tiền không những là nguồn thu của ngân sách nhà nước mà còn là số tiền mà người “thua kiện” phải đóng khi giải quyết vụ án nên nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ rất cân nhắc để xem hướng giải quyết nào là có lợi cho họ nhất để không phải mất tiền án phí, đó cũng là một cơ sở để giúp cho phiên hòa giải tại Tòa án có hiệu quả hơn. Nếu hòa giải thành sẽ giúp giảm áp lực cho các Thẩm phán với số lượng án ngày càng phát sinh nhiều như hiện nay. Từ đó tập trung giải quyết các vụ án khác có hiệu quả hơn.

Kiến nghị, cần sửa đổi bổ sung Nghị quyết 326 theo hướng đối tượng được miễn án phí là người cao tuổi thì cần có thêm điều kiện là có hoàn cảnh khó khăn (có xác nhận của chính quyền địa phương) mới được miễn án phí. Như vậy vừa đảm bảo đúng đối tượng được miễn án phí vừa giúp cho việc hòa giải tại Tòa án đạt hiệu quả, ngân sách nhà nước có thêm được một nguồn thu phù hợp quy định.

HUỲNH VĂN SÁNG (Viện kiểm sát nhân dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3907

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]