16/07/2024 16:11

Tổng hợp mẫu cam kết bảo mật thông tin thông dụng nhất năm 2024

Tổng hợp mẫu cam kết bảo mật thông tin thông dụng nhất năm 2024

Hiện nay, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về bảo mật thông tin thì thực hiện theo mẫu nào thông dụng và chuẩn nhất? 

1. Cam kết bảo vệ bảo mật thông tin gồm những nội dung gì?

Hiện nay, Bộ luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn chưa có định nghĩa cụ thể về "Cam kết bảo mật thông tin" trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, có thể hiểu "Cam kết bảo mật thông tin" trong quan hệ lao động như sau:

Cam kết bảo mật thông tin là việc khi người lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động sẽ tiến hành thỏa thuận cam kết về việc không tiết lộ thông tin hay công khai các thông tin, tài liệu mật của người sử dụng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:

- Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng văn bản khác theo quy định của pháp luật.

- Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:

+ Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

+ Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

+ Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

+ Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

+ Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;

+ Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Như vậy, cam kết bảo vệ bảo mật thông tin trong quan hệ lao động được hiểu là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc không tiết lộ thông tin mật của doanh nghiệp. Trong đó, gồm một số nội dung như: Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ...

2. Tổng hợp mẫu cam kết bảo mật thông tin thông dụng nhất năm 2024

Dưới đây là một số mẫu cam kết bảo mật thông tin tổ chức, cá nhân có thể tham khảo:

Mẫu số 1: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/cam-ket-bao-mat-thong-tin.doc 

Mẫu số 2: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/phu-luc-cam-ket-thong-tin-vat-chat.doc 

3. Người lao động vi phạm thỏa thuận cam kết bảo mật thông tin thì xử lý thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

(1) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật lao động 2019 (hướng dẫn bởi Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP) cụ thể, như sau:

- Khi phát hiện người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì người sử dụng lao động yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.

- Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:

+ Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: các thành phần quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật lao động 2019, thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;

+ Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

+ Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

- Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Các trường hợp bồi thường thiệt hại khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

(2) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Nguyễn Ngọc Trầm
28

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn