28/10/2023 16:43

Tiêu chí về tính chịu lửa các bộ phận của công trình xây dựng

Tiêu chí về tính chịu lửa các bộ phận của công trình xây dựng

Tôi muốn hỏi tiêu chí về tính chịu lửa các bộ phận của công trình xây dựng gồm những gì?_Anh Khoa(Cần Thơ)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy trình thử nghiệm chuẩn về tính chịu lửa các bộ phận của công trình xây dựng

Theo quy định tại Mục 3 Tiêu chuẩn TCVN 9311-3:2012 về quy trình thử nghiệm chuẩn về tính chịu lửa các bộ phận của công trình xây dựng như sau:

- Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng, cần thiết phải tiến hành một số phép đơn giản hóa trong quy trình thử nghiệm chuẩn để dễ sử dụng với các điều kiện khống chế trong bất cứ phòng thí nghiệm nào với mong muốn đạt được những kết quả có thể tái lập và lặp lại.

- Một số những yếu tố dẫn đến một mức độ biến động nào đó là nằm ngoài phạm vi của quy trình thử nghiệm, đặc biệt là sự khác nhau về vật liệu và về cách chế tạo là rất lớn.

- Những yếu tố khác, đã được chỉ ra trong tiêu chuẩn này, đều nằm trong khả năng người sử dụng có thể điều chỉnh được.

- Nếu những yếu tố này được quan tâm đúng mức, thì độ tái lập và độ lặp lại trong quy trình thử nghiệm có thể cải thiện để đạt đến mức độ chấp nhận được.

Cụ thể các quy trình thử nghiệm chuẩn như sau:

- Chế độ đốt nóng

- Lò thử nghiệm

- Làm khô mẫu thử

- Cung cấp nhiên liệu và phân phối nhiệt

- Kỹ thuật đo áp lực

- Quy trình sau khi ngừng cấp nhiệt

- Kích cỡ mẫu thử

- Cấu tạo mẫu

- Chất tải

- Điều kiện biên và ngăn cản biến dạng

- Hiệu chuẩn

Như vậy, để nâng cao tính lặp lại và tái lập của kết quả thử nghiệm chuẩn, cần thực hiện đơn giản hóa quy trình thí nghiệm, đồng thời chú ý kiểm soát tốt các yếu tố trong khả năng can thiệp của người thực hiện. Mặc dù một số yếu tố vượt quá phạm vi kiểm soát, nhưng nếu áp dụng đúng các biện pháp nêu trên, kết quả thử nghiệm có thể đạt độ chính xác và tin cậy ở mức chấp nhận được.

2. Tiêu chí về tính chịu lửa của các bộ phận của công trình xây dựng

Theo quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn TCVN 9311-3:2012 về tiêu chí về tính chịu lửa của các bộ phận của công trình xây dựng bao gồm:

- Khả năng chịu tải

+ Tiêu chí này được dùng để xác định khả năng một cấu kiện chịu tải để đỡ tải trọng thử nghiệm trong suốt quá trình thử chịu lửa mà không bị phá hủy.

+ Muốn đo khả năng chịu tải mà không cần phải duy trì thử nghiệm đến khi kết cấu bị phá hủy thì giới hạn của độ biến dạng và độ võng tối đa cho sàn, dầm và trần phải được xác định trước.

+ Việc đưa ra giới hạn cho tường là không thể được vì theo kinh nghiệm, độ biến dạng ghi nhận được ngay trước khi bị phá hủy của các dạng tường có độ lớn khác nhau.

- Tính toàn vẹn

+ Tiêu chí này có thể áp dụng cho các kết cấu ngăn cách và đưa ra phép đo khả năng khống chế sự lan truyền của ngọn lửa và khí nóng từ mặt tiếp xúc lửa sang mặt không tiếp xúc lửa của mẫu thử tùy thuộc thời gian đã trôi qua trước khi có sự bùng cháy của tấm đệm bằng sợi bông ở bất cứ nơi nào có vết nứt hoặc khe hở.

+ Khả năng bùng cháy của tấm đệm sẽ phụ thuộc vào kích thước của khe hở, áp lực bên trong lò thử nghiệm tại vị trí khe hở, nhiệt độ và hàm lượng oxy.

+ Sự bùng cháy trên mặt tiếp xúc lửa của kết cấu có thể gây ra nguy hiểm không cho phép và do vậy, ở nơi có thể dẫn tới sự bùng cháy của tấm đệm cũng có nghĩa là nơi đó không đáp ứng được tiêu chí về tính toàn vẹn.

- Tính cách nhiệt

+ Tiêu chí này có thể áp dụng cho các kết cấu ngăn cách và cung cấp một phép đo về khả năng của mẫu thử nhằm khống chế sự tăng nhiệt độ của mặt không tiếp xúc lửa dưới các mức quy định.

+ Khi kết cấu ngăn cách được thử nghiệm là không được cách nhiệt hoặc vượt quá giới hạn nhiệt độ quy định, sự bức xạ nhiệt từ mặt không tiếp xúc với lửa có thể đủ để làm tấm đệm sợi bông bùng cháy.

+ Các mức quy định được đưa ra để đảm bảo, khi nhiệt độ ở dưới mức quy định, bất cứ vật liệu dễ cháy nào khi tiếp cận với mặt không tiếp xúc lửa sẽ không đủ để bùng cháy tại nhiệt độ thấp hơn mức này.

+ Giới hạn sự tăng nhiệt độ tối đa gồm chỉ dẫn các diện tích tiềm năng trên kết cấu có thể tạo ra đường truyền nhiệt trực tiếp và tạo ra điểm nóng trên mặt không tiếp xúc với lửa, khi các mẫu thử phù hợp với yêu cầu tại 5.5.1.2 Tiêu chuẩn TCVN 9311-1: 2012.

+ Đã có một số đề xuất là các giá trị giới hạn về sự tăng nhiệt độ có phần thiên về an toàn, vì các giá trị này dựa trên cơ sở giả thiết là nhiệt độ mặt không tiếp xúc với lửa tiếp tục tăng nhiệt độ sau khi lửa đã bị chuyển khỏi hệ thống thử nghiệm.

+ Các thử nghiệm được tiến hành bằng cách sử dụng các hộp chứa đầy mẩu len hoặc gỗ vụn được đặt ép vào bề mặt không tiếp xúc với lửa của các bức tường gạch tiếp xúc lửa theo đúng với thử nghiệm chịu lửa tiêu chuẩn.

+ Không có bất cứ bằng chứng bùng cháy của gỗ hoặc bông tại nhiệt độ dưới 204 °C (hoặc nhiệt độ tăng là 163 °C) trong khoảng thời gian tiếp xúc lửa từ 1,5 h đến 12 h.

+ Dấu hiệu bùng cháy được quan sát thấy khi nhiệt độ nằm trong khoảng từ 204 °C đến 232 °C và bằng chứng bùng cháy cuối cùng xuất hiện khi nhiệt độ đạt tới 232 °C đến 260 °C.

- Các đặc tính khác

+ Khi áp dụng các phương pháp thử nghiệm quy định trong tiêu chuẩn này cho các vật liệu tạo thành mẫu thử có thể xuất hiện một số các đặc tính khác không mong muốn trong quá trình tiến hành thử nghiệm, chẳng hạn như hiện tượng tạo khói. Các hiện tượng này không được đề cập trong tiêu chí này mà được đánh giá chính xác hơn bằng các phương pháp thử nghiệm riêng.

Như vậy, việc thử nghiệm tính chịu lửa của các bộ phận công trình xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cháy nổ, tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC, tiết kiệm chi phí, kéo dài tuổi thọ công trình, là một trong các biện pháp phòng tránh cháy nổ để ứng phó kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. Do đó, công tác thử nghiệm này cần được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, đúng tiêu chuẩn, đạt tiêu chí để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
252

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn