15/09/2023 16:52

Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy

Dạo gần đây, có nhiều vụ cháy lớn mà trong đó có nguyên nhân đến từ việc nhà ở chưa được kiểm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Tôi muốn biết đối tượng nào thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC? “Anh Quân-Hậu Giang”

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

>> Xem thêm:  

Tăng cường công tác PCCC tại các chung cư mini, nhà trọ

Tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?

1. Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy?

Theo Khoản 2 và Khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy là một trong những căn cứ để xem xét, phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. 

Theo đó, thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về PCCC thuộc về:

- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: 

+ Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng NSNN do cấp tỉnh là chủ đầu tư); 

+ Công trình có chiều cao trên 100 m; 

+ Công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; 

+ Phương tiện đường thủy có chiều dài từ 50m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ; 

+ Dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;

- Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: 

+ Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; 

+ Dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền; 

+ Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ và những trường hợp do Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

2. Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC

Căn cứ Khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC, gồm:

- Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch;

- Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

- Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại mục 21 Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Phụ lục V: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/phu-luc-V-N%C4%90-136-2020.docx

Ngoài ra, Công văn 2075/C07-P4 ngày 09/8/2022 do Cục cảnh sát PCCC và CNCH ban hành thì xác định đối tượng thẩm duyệt đối với một số trường hợp như sau:

(1) Đối với công trình nhà hỗn hợp (có từ 02 công năng trở lên)

- Nhà ở kết hợp kinh doanh

Trường hợp phần kinh doanh của nhà có quy mô thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì phải thẩm duyệt cho toàn bộ công trình.

- Nhà không có công năng ở

Trường hợp công trình cao dưới 7 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3, việc xác định đối tượng thẩm duyệt dựa trên quy mô (số tầng, khối tích) của từng công năng, đối chiếu với quy định cho công năng đó tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP, trường hợp thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì phải đối chiếu, thẩm duyệt cho toàn bộ công trình.

(2) Đối với nhà thương mại liên kế (shophouse), biệt thự, villa kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng

Đối với các nhà thương mại liên kế; biệt thự, villa kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng trong cùng một dự án được bố trí theo từng khối nhà (hoặc dãy nhà) và được ngăn cháy độc lập bằng tường ngăn cháy hoặc bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, có kết cấu và giải pháp thoát nạn độc lập đối với từng nhà thì xác định quy mô để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo từng nhà thuộc dãy nhà đó mà không tính tổng khối tích của cả dãy nhà, khu nhà.

Khi các nhà này có chung tầng hầm thì căn cứ quy mô, tính chất sử dụng của tầng hầm nếu thuộc Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì phải thẩm duyệt cho phần hầm, trong đó lưu ý giải pháp ngăn cháy độc lập giữa tầng hầm và các nhà xây dựng trên mặt đất, thoát nạn của tầng hầm đi qua các thang riêng.

(3) Trường hợp khi xét đối tượng thẩm duyệt theo tên dự án không thuộc Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP nhưng trong dự án có các công trình, hạng mục công trình mà quy mô, tính chất sử dụng thuộc đối tượng thẩm duyệt thì phải thực hiện thẩm duyệt cho các công trình, hạng mục công trình đó. 

Ví dụ: Công trình tôn giáo (đền, chùa...) hoặc sân gôn không được quy định trong Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP nhưng trong khuôn viên xây dựng các hạng mục như nhà hàng, khách sạn... thì căn cứ quy mô của nhà hàng, khách sạn đó để xác định đối tượng thẩm duyệt.

(4) Hệ thống điện mặt trời mái nhà

- Công trình thuộc Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà thì phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Việc xác định chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo hướng dẫn tại mục 6 phần này.

- Hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì không yêu cầu phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

(5) Trạm sạc xe điện

Trạm sạc xe điện không phải là đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC quy định trong phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Tuy nhiên, khi đặt trạm sạc xe điện trong một số loại hình công trình thì việc xác định đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC được quy định như sau:

- Đối với trạm sạc xe điện đặt tại gara xe độc lập; tại gara xe trong nhà của các công trình; trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu thì yêu cầu thực hiện thẩm duyệt với các đối tượng là các gara xe, công trình, cửa hàng xăng dầu quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Việc xác định chủ đầu tư đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo hướng dẫn tại mục 6 phần này. 

Trường hợp bố trí bổ sung trạm sạc xe điện trong gara độc lập, gara trong nhà của các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP nhưng việc bố trí không làm ảnh hưởng đến các điều kiện an toàn PCCC quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (không làm thay đổi giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; không thay đổi, cản trở đường, lối thoát nạn; không điều chỉnh hệ thống báo cháy, chữa cháy của công trình) thì không yêu cầu phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. 

Trường hợp bố trí trạm sạc trong công trình cửa hàng xăng dầu hiện hữu đã bảo đảm khoảng cách an toàn từ trạm sạc đến các hạng mục trong cửa hàng thì không yêu cầu phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

- Đối với trạm sạc xe điện đặt ngoài trời (trừ trường hợp đặt trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu) thì không yêu cầu thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Bùi Thị Như Ý
4035

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]