16/02/2024 17:20

Tài sản đấu giá là những loại tài sản nào? Lựa chọn tổ chức đấu giá thế nào?

Tài sản đấu giá là những loại tài sản nào? Lựa chọn tổ chức đấu giá thế nào?

Tôi muốn hỏi tài sản đấu giá là những loại tài sản nào? Lựa chọn tổ chức đấu giá thế nào?_Thanh Phước(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tài sản đấu giá là những loại tài sản nào?

Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tại Điều 4 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;

- Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;

- Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

- Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

- Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

- Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

- Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện;

- Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

- Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Lưu ý: Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá 2016.

Như vậy, tài sản đấu giá được đấu giá khi đó là tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.

2. Lựa chọn tổ chức đấu giá thế nào?

Tổ chức đấu giá tài sản bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Theo đó, để lựa chọn tổ chức đấu giá cần đảm bảo các nguyên tắc, nội dung và quá trình đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cụ thể:

Về nguyên tắc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

- Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm theo đúng tiêu chí quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản 2016, Điều 3 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP.

Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức đấu giá tài sản:

- Bảo đảm tính chính xác, độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.

- Tổ chức đấu giá tài sản tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và phải chịu hậu quả bất lợi do kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTP.

(Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BTP)

Về nội dung tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

- Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá.

- Nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.

- Nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản.

- Nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp.

- Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

- Nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

(Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTP)

Về đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

- Người có tài sản đấu giá tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá hoặc lựa chọn hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc đánh giá này.

- Người có tài sản đấu giá căn cứ thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức đấu giá tài sản chấm điểm theo tất cả các tiêu chí quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP và xử lý các tình huống theo quy định tại các khoản 4, 5, 6, và 7 Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BTP.

- Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức đấu giá tài sản trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.

- Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức đấu giá tài sản có người đại diện theo pháp luật hoặc đấu giá viên của tổ chức bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản do thực hiện hành vi nhân danh, vì lợi ích hoặc có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của tổ chức đấu giá tài sản đó thì tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 50% tổng số điểm.

- Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức đấu giá tài sản thuộc một trong các trường hợp sau thì thực hiện như sau:

+ Có đấu giá viên của tổ chức mình bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản thì cứ mỗi đấu giá viên bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 5% tổng số điểm;

+ Tổ chức đấu giá tài sản bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản, trừ hành vi bị xử phạt quy định tại điểm c khoản này thì cứ mỗi hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 5% tổng số điểm;

+ Tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản theo công bố của cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 20% tổng số điểm;

+ Có đấu giá viên của tổ chức mình bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 20% tổng số điểm.

- Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức đấu giá tài sản thuộc trường hợp đã bị từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BTP hoặc đã bị hủy bỏ kết quả lựa chọn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 02/2022/TT-BTP thì tổ chức đấu giá tài sản đó bị trừ 70% tổng số điểm.

- Trường hợp có cơ sở xác định tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ thì người có tài sản từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ của tổ chức đấu giá tài sản đó.

- Trường hợp đến hết ngày nộp hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn mà chỉ có một tổ chức đấu giá tài sản đăng ký thì người có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức đó nếu đáp ứng quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016, Thông tư 02/2022/TT-BTP và pháp luật có liên quan.

(Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 02/2022/TT-BTP)

Như vậy, việc lựa chọn tổ chức đấu giá cần bảo đảm công khai, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật và quy trình đánh giá điểm số cụ thể. Tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức đấu giá tài sản trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.

Hứa Lê Huy
393

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]