30/01/2024 14:51

Thương mại điện tử là gì? Đấu giá hàng hóa qua website thế nào?

Thương mại điện tử là gì? Đấu giá hàng hóa qua website thế nào?

Tôi muốn hỏi thương mại điện tử là gì? Đấu giá hàng hóa qua website thế nào?_Mai Phương(Sơn La)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thương mại điện tử là gì?

Hiện nay, pháp luật chưa có định nghĩa thương mại đại tử là gì tuy nhiên theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Như vậy, có thể hiểu thương mại điện tử là hình thức sử dụng phương tiện điện tử có kết nối mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác để thực hiện hoạt động thương mại điện tử trực tuyến như mua bán hàng hóa trực tuyến, thanh toán các giao dịch trực tuyến,...

2. Đấu giá hàng hóa qua website thế nào?

Website đấu giá trực tuyến là gì?

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Như vậy, người bán trên website đấu giá trực tuyến sẽ đưa sản phẩm muốn đấu giá lên website và người mua sẽ truy cập vào đó để đưa ra mức giá sở hữu sản phẩm đó.

Đấu giá hàng hóa qua website thế nào?

Theo quy định tại Điều 47, 48, 49, 50 và Điều 51 Nghị định 52/2013/NĐ-CP để đấu giá hàng hóa qua website thì người có sản phẩm đấu giá cần thực hiện như sau:

Trách nhiệm người có sản phẩm đấu giá trên website đấu giá trực tuyến

- Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa được bán đấu giá.

- Công bố giá khởi điểm; mức giá chấp nhận bán, nếu có.

- Chịu trách nhiệm về chất lượng, quy cách của hàng hóa được bán đấu giá.

- Giải quyết các khiếu nại của người mua về hàng hóa được bán đấu giá.

- Không bán hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp hoặc đang có tranh chấp.

- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Cung cấp thông tin địa điểm và thời gian đấu giá

- Địa điểm đấu giá là nơi đăng ký thường trú hoặc trụ sở của người bán hàng.

- Thời gian đấu giá do người bán quyết định.

- Thời điểm trả giá của người tham gia đấu giá là thời điểm gửi chứng từ điện tử thông báo việc trả một mức giá nhất định trong một cuộc đấu giá.

- Thời điểm ghi nhận một mức giá đã trả là thời điểm hệ thống thông tin của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến nhận được chứng từ điện tử thông báo việc trả giá của người tham gia đấu giá.

Thông báo đấu giá hàng hóa

Thông báo đấu giá hàng hóa được thực hiện tại website đấu giá trực tuyến và phải bao gồm các nội dung sau:

- Thời gian bắt đầu tiến hành đấu giá.

- Thời gian kết thúc đấu giá.

- Thông tin liên hệ của người bán.

- Thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa.

- Giá khởi điểm.

- Mức giá chấp nhận bán, nếu có.

- Thời hạn và phương thức thanh toán.

- Thời hạn và phương thức giao hàng cho người mua sau khi đấu giá kết thúc.

- Trường hợp đối tượng đấu giá là hàng hóa phải đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật, thông báo đấu giá hàng hóa phải bao gồm thêm các nội dung sau:

+ Thời gian và địa điểm trưng bày hàng hóa;

+ Thời gian và địa điểm tham khảo hồ sơ hàng hóa;

+ Thời gian và địa điểm đăng ký mua hàng hóa;

+ Thời gian và cách thức tiến hành thủ tục chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa.

Xác định người mua hàng - Hình thức đấu giá

- Đối với phương thức trả giá lên, người mua hàng là người đầu tiên có mức trả giá sau cùng cao hơn giá của người trước và cao hơn mức giá chấp nhận bán, được hệ thống thông tin của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến ghi nhận trước thời điểm kết thúc đấu giá.

- Đối với phương thức đặt giá xuống, người mua hàng là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá hạ thấp hơn mức giá khởi điểm; được hệ thống thông tin của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến ghi nhận trước thời điểm kết thúc đấu giá.

Lưu ý: Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người bán phải tổ chức rút thăm giữa những người đó để quyết định người mua hàng.

Thông báo kết quả đấu giá

- Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến phải lập thông báo kết quả đấu giá hàng hóa ngay sau thời điểm kết thúc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành.

- Thông báo phải ghi rõ các thông tin về hàng hóa, mức giá cuối cùng được trả, thời điểm hệ thống nhận được mức trả giá cuối cùng, thông tin liên hệ của người mua hàng.

- Đối với hàng hóa mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, thông báo kết quả đấu giá hàng hóa là căn cứ để lập hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện các thủ tục có liên quan để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa đó.

- Thông báo kết quả đấu giá sẽ được gửi về địa chỉ điện tử đã đăng ký với thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến của người bán và người mua hàng.

- Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, hệ thống phải gửi thông báo đến tất cả những người này và yêu cầu họ thực hiện rút thăm để quyết định người mua. Hình thức tổ chức rút thăm do người bán quyết định.

Như vậy, để đấu giá hàng hóa qua websie người bán phải cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa đấu giá, thông tin địa điểm và thời gian đấu giá, thông báo thời gian bắt đầu và kết thúc đấu giá, hình thức đấu giá và thông báo kết quả đấu giá. Nếu có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng thì sẽ rút thăm để quyết định người sở hữu sản phẩm đấu giá.

Hứa Lê Huy
829

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn