02/04/2021 13:59

Phản tố và bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Phản tố và bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Khoản 1 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 quy định : “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, xung quanh yêu cầu phản tố còn có những quan điểm chưa thống nhất.

1.Tình huống

A được UBND huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số O 044286 với tổng diện tích 15.900m2. Năm 2004, A có chuyển nhượng (bằng miệng) cho B 325m2 (rộng 13m x dài 25m) với số tiền 7.000.000 đồng (đã nhận tiền). Hai bên thỏa thuận thời điểm làm thủ tục tách thửa sẽ chuyển quyền sử dụng đất. Nhiều lần A gọi B ra chính quyền địa phương để làm thủ tục nhưng B không thực hiện. Năm 2015, B thuê máy xúc san ủi phần đất đã nhận chuyển nhượng từ A. A cho rằng B đã san ủi vượt quá phần diện tích mà A đã chuyển nhượng (325m2). B xuất trình giấy viết tay về việc chuyển nhượng đất lập ngày 12/7/2003 với nội dung: A chuyển nhượng cho B tổng diện tích 1.750m2 (chiều rộng 25m x chiều dài 70m), có xác nhận của trưởng bản và chữ ký của hai bên (thực tế A không biết chữ).

Ngày 25/2/2020, A nộp đơn khởi kiện đề nghị TAND huyện X buộc B trả lại phần diện tích đất (1425m2) đã lấn chiếm . Ngày 02/3/2020, TAND huyện X đã thụ lý vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Ngày 18/5/2020, B có đơn phản tố đề nghị Tòa án “Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 12/7/2003”. Ngày 28/9/2020, B có đơn bổ sung yêu cầu phản tố đề nghị “Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của C” (C là hộ có đất giáp ranh với phần diện tích A đã chuyển nhượng cho B).

TAND huyện X đã chấp nhận yêu cầu của bị đơn và thụ lý yêu cầu phản tố, đồng thời căn cứ khoản 4 Điều 34, Điều 41 BLTTDS; khoản 4 Điều 32 LTTHC, TAND huyện X đã chuyển vụ án cho TAND tỉnh Y giải quyết theo thẩm quyền.

Bị đơn phản tố và đưa ra yêu cầu

Vấn đề đặt ra là yêu cầu “Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “Yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của B mà TAND huyện X thụ lý có phải là yêu cầu phản tố không?

Quan điểm 1: Đương sự có quyền đưa ra yêu cầu và Tòa án phải thụ lý để xem xét, không được quyền từ chối. Do đó khi bị đơn có đơn yêu cầu Tòa án “Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “Yêu cầu hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thì Tòa án phải thụ lý yêu cầu phản tố mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Quan điểm 2: Hai yêu cầu của B chỉ được coi là ý kiến mà không phải là yêu cầu phản tố, cần trả lại đơn yêu cầu phản tố cho bị đơn. Việc TAND huyện X chấp nhận yêu cầu của B “Công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất lập ngày 12/7/2003” và “Yêu cầu hủy một phần GCNQSDĐ của C” là yêu cầu phản tố đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tác giả đồng tình với quan điểm 2 bởi căn cứ Điều 200 BLTTDS, Điều 12 của Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì:

 (1) Yêu cầu của bị đơn đề nghị Tòa án công nhận 1.750m2 theo giấy tờ viết tay giữa A và B với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc B trả lại phần diện tích đất đã lấn chiếm (1.750m2 - 325m2 = 1425m2) cho A là cùng một nội dung cần phải giải quyết trong vụ án để xác định chủ thể có quyền sử dụng đối với phần diện tích đang tranh chấp (1425m2) theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là ai?

(2) Yêu cầu của bị đơn không để bù trừ nghĩa vụ mà B phải thực hiện với yêu cầu của nguyên đơn; không dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và nếu yêu cầu đó được chấp nhận thì không loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì không có căn cứ; Yêu cầu của B trùng với yêu cầu khởi kiện của A và là tình tiết liên quan đến yêu cầu khởi kiện của A, Tòa án phải xem xét, giải quyết trong cùng một vụ án, không thể tách thành 02 vụ án riêng biệt.

(3) Đối với yêu cầu “tuyên hủy một phần GCNQSDĐ của C” mà Tòa án chấp nhận là yêu cầu phản tố là không có căn cứ, bởi vì Tòa án đang thụ lý, giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất thông qua giao dịch chuyển nhượng giữa A và B, chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án thì A vẫn là người sử dụng đất hợp pháp theo  GCNQSDĐ đã được cấp. Giả sử UBND huyện X cấp GCNQSDĐ cho C là hộ có đất liền kề với A không đảm bảo quy định pháp luật thì trong vụ án này Tòa án không thụ lý yêu cầu của B là yêu cầu độc lập với căn cứ nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn bởi GCNQSDĐ cấp cho C không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của B.

Như vậy yêu cầu của B chỉ được coi là ý kiến mà không phải là yêu cầu phản tố.

Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố

Cũng liên quan đến phản tố, trong thực tiễn chúng tôi còn có vướng mắc, quan điểm khác nhau trong tình huống ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Y, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố thì hướng giải quyết như thế nào?

Quan điểm 1: Vì bản chất của yêu cầu phản tố và yêu cầu khởi kiện là giống nhau nên khi bị đơn rút yêu cầu phản tố, Tòa án vận dụng điểm b khoản 2 Điều 217 (trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu phản tố) để ra “Quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn”.

Quan điểm 2: Hướng dẫn đương sự rút yêu cầu phản tố tại phiên tòa, HĐXX sẽ xem xét, giải quyết và ghi nhận trong bản án.

Tác giả không đồng tình với quan điểm 1 bởi lý do sau:

Yêu cầu phản tố và yêu cầu khởi kiện có sự liên quan với nhau về nội dung trong cùng một vụ án nhưng không trùng nhau. Yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ xuất hiện khi có yêu cầu khởi kiện. Yêu cầu khởi kiện bị tác động (bù trừ, loại trừ) khi yêu cầu phản tố được chấp nhận. Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện TA phải thụ lý, giải quyết nhưng khi bị đơn có đơn yêu cầu phản tố TA phải đối chiếu yêu cầu đó với yêu cầu khởi kiện và các tiêu chí là đặc điểm nhận dạng của phản tố để xem xét chấp nhận hay trả lại đơn yêu cầu phản tố.

Trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì yêu cầu phản tố của bị đơn sẽ thay đổi hoàn toàn địa vị tố tụng trong vụ án. Nhưng nếu bị đơn rút yêu cầu phản tố, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì chỉ thay đổi về phạm vi giải quyết vụ án mà không ảnh hưởng đến địa vị tố tụng của đương sự trong vụ án. Do đó không thể vận dụng điều luật trong trường hợp người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn rút yêu cầu phản tố để ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố bởi đó là hai yêu cầu hoàn toàn khác nhau dẫn đến hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Tuy nhiên nếu theo quan điểm 2 thì có xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không? Bởi rõ ràng TAND huyện X đã thụ lý yêu cầu phản tố trái quy định pháp luật.

NGUYỄN THỊ LÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

5802

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]