16/09/2020 14:12

Thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn

Thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn

Trong bài viết này, tác giả giới thiệu, phân tích một số quan điểm thông qua một vụ án thực tế liên quan đến phạm vi, hệ quả pháp lý của việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn.

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, giống như các đương sự khác, bị đơn cũng có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn để được Tòa án chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn vẫn còn có quan điểm khác nhau khi xác định thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu.

Trong bài viết này, tác giả giới thiệu, phân tích một số quan điểm thông qua một vụ án thực tế liên quan đến phạm vi, hệ quả pháp lý của việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn.

1.Quy định của pháp luật tố tụng dân sự

Tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định như sau: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.

Quy định này được hướng dẫn bởi Công văn 01/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 05/01/2018 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ như sau: “Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Bên cạnh đó, tại mục 7, Phần IV Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án có hướng dẫn (“Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC”): “[…] Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải […]”.

Mặc dù nội dung hướng dẫn tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC không đề cập đến việc thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố, tuy nhiên dựa trên bản chất của yêu cầu phản tố và quy định của BLTTDS 2015 nêu trên thì có thể xem đây cũng là một hướng dẫn cho trường hợp bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố.

Theo đó, trước phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố mà không bị giới hạn phạm vi, bao gồm cả thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu nếu sự thay đổi, bổ sung đó được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Ngược lại, trường hợp bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố tại phiên tòa sơ thẩm thì Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung đó nếu không vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu.

Mặc dù vậy, xác định thế nào là “vượt quá phạm vi” yêu cầu phản tố ban đầu hiện trong thực tiễn xét xử vẫn chưa có sự thống nhất. Đơn cứ một tình huống thực tiễn sau đây.

2.Vụ án thực tiễn

Cụ S nộp đơn khởi kiện anh P và chị N yêu cầu chia thừa kế phần di sản của cụ H gồm 1/2 phần đất 33.242,8 m2, chia cho cụ và 11 người con gồm: Ta, K, Đ, H, Ma, N, D, V, U, L, T, không chia cho M và P vì đã được cho đất.

Ngày 27/8/2015, anh P có đơn phản tố cho rằng phần trả nợ cho chị Th và Ngân hàng với số tiền 193.622.000 đồng và 20 chỉ vàng 24k là do vợ chồng anh xuất tiền ra trả, nay anh yêu cầu cụ S trả lại vợ chồng anh.

Tại phiên tòa sơ thẩm anh P còn yêu cầu phải trả lại 82.000.000 đồng tiền công sức của anh trên phần đất.

Bản án sơ thẩm số 106/2018/DS-ST ngày 13/11/2018 của TAND huyện TVT quyết định:

“[…] Không chấp nhận yêu cầu của anh P yêu cầu những người được chia thừa kế gồm chị M, chị Ta, chị K, chị H, chị D, chị V, chị U, chị L, chị T thực hiện nghĩa vụ số 123.074.577đ và 13,77 chỉ vàng 24k.

Tách các vấn đề sau đây ra, nếu sau này các đương sự có yêu cầu thì xem xét giải quyết bằng vụ kiện khác:

[…] Yêu cầu của anh P đối với số tiền 82.000.000 đồng (công sức đóng góp, cải tạo đất đối với di sản thừa kế) […]”.

Ngày 26/11/2018, anh P, chị N, chị M, chị Đ, chị Th nộp đơn kháng cáo.

Nhận định Tòa án cấp phúc thẩm: “[…] Đối với yêu cầu của anh P về 82.000.000 đồng tiền cải tạo đất, những cải tạo này có trên phần đất mà án sơ thẩm phân chia cho các thừa kế. Án sơ thẩm lại cho rằng yêu cầu này là ngoài phạm vi yêu cầu khởi kiện nên không xem xét và tách ra giải quyết bằng một vụ án khác là không giải quyết một cách toàn diện, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự […]”.

Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 106/2018/DS-ST ngày 13/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện TVT; chuyển hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân huyện TVT giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”.

Từ vụ án trên cho thấy đã có quan điểm khác nhau giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm. Cụ thể:

Quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm: Yêu cầu của anh P đối với số tiền 82.000.000 đồng được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm là ngoài phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu nên đã không chấp nhận yêu cầu đó.

Quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm: Yêu cầu của anh P có liên quan đến vụ án, quyền và nghĩa vụ của các đương sự khác nên phải được xem xét, giải quyết trong cùng một vụ án để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Quan điểm của tác giả: Để xem xét chấp nhận yêu cầu phản tố có vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu hay không cần đảm bảo một số tiêu chí sau đây: (i) hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của bên đương sự có quyền thay đổi yêu cầu mà còn xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên đương sự bị yêu cầu và đồng thời đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, lợi ích công cộng và lợi ích Nhà nước; (ii) không kéo dài quá trình Tòa án giải quyết ảnh hưởng đến thời gian và chi phí tố tụng của các bên và của Tòa án; (iii) phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khác nhau như đảm bảo chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; đảm bảo nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân s[1].

Do đó, tác giả đồng tình với quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm và không đồng tình với quan điểm của Tòa án cấp phúc thẩm. Bởi vì yêu cầu phản tố ban đầu của bị đơn chỉ đề nghị nguyên đơn trả số tiền mà phía bị đơn đã trả nợ thay cho nguyên đơn. Tại phiên tòa, bị đơn lại bổ sung yêu cầu phản tố với nội dung đề nghị phía nguyên đơn trả thêm số tiền 82.000.000 đồng là khoản tiền mà công sức anh bỏ ra đối với phần diện tích đất đang tranh chấp. Có thể thấy, quan hệ pháp luật của yêu cầu ban đầu và yêu cầu bổ sung là khác nhau. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu bổ sung thì phải tiến hành các thủ tục như thu thập chứng cứ, hòa giải… Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và quyền, lợi ích của các đương sự khác. Vì thế, hướng giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, theo tác giả là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 244 BLTTDS 2015 và Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC.

3. Kiến nghị

Nhằm đảm bảo cho các quy định của pháp luật tố tụng dân sự ngày càng hoàn thiện và được áp dụng thống nhất trong thực tiễn, tác giả cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần chủ động giải thích rõ cho các đương sự nói chung và bị đơn nói riêng được biết về thời điểm đưa ra yêu cầu thay đổi, bổ sung, phạm vi, hệ quả pháp lý và các vấn đề liên quan. Từ đó sẽ hạn chế được trường hợp đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu nhưng không được Tòa án chấp nhận dẫn đến việc đương sự phải khởi kiện một vụ án khác gây mất thời gian, công sức, chi phí cho đương sự và cả cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, TANDTC cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn làm rõ như thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu nói chung của các đương sự trong đó có yêu cầu phản tố của bị đơn để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động xét xử của các Tòa án.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

6598

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]