03/03/2021 11:15

Bàn về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong giải quyết các vụ án dân sự

Bàn về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong giải quyết các vụ án dân sự

BLTTDS 2015 quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, xác định thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập chưa có văn bản hướng dẫn nên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc trong giải quyết vụ án.

1. Quy định của pháp luật

Pháp luật tố tụng dân sự quy định, trong quá trình giải quyết vụ án, ngoài yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn hoặc bị đơn. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015 về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn thì:

“1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.”

 Đối với quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 201 BLTTDS năm 2015 thì:

“1. Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:

a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;

b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;

c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.”

Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án thì Thẩm phán có thể phải giải quyết nhiều yêu cầu của đương sự trong cùng vụ án. Tuy nhiên, hiện còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết các yêu cầu của đương sự.

 2. Quan điểm khác nhau

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Đây là quy định mới so với BLTTD năm 2004 (Sửa đổi, bổ sung năm 2011), bởi theo quy định của Bộ luật này thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Mặc dù, pháp luật có sự khác nhau về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập, nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp này nên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc vận dụng các quy định định của pháp luật trong giải quyết vụ án cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 thì bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, pháp luật đã giới hạn thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập là phải trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Pháp luật không hướng dẫn hay giải thích gì thêm về trường hợp này, cho nên khi bị đơn có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập sau thời điểm này đều không được xem xét.

Quan điểm thứ hai cho rằngtheo quy định tại Điều 203 BLTTDS năm 2015 thì: Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

- Đối với các vụ án tranh chấp về dân sự và hôn nhân và gia đình thì thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

- Đối với các vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại và lao động thì thời hạn là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

- Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án tranh chấp về dân sự và hôn nhân và gia đình và không quá 1 tháng đối với vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại và lao động.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định ở trên, thì tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; d) Đưa vụ án ra xét xử.

Như vậy, nếu yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập được đương sự đưa ra trong thời hạn chuẩn bị xét xử và trước khi Thẩm phán ra một trong các quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử thì vẫn có thể xem xét chấp nhận yêu cầu của đương sự.

Người viết thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS nă 2015 thì “4. Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.” Với quy định này, thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử được nêu ở trên, các đương sự có quyền giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định. Nếu trong thời hạn này có đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ gây bất lợi cho một bên đương sự khác là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập do trước đó đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Như vậy, với quy định này vô tình làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự.

Mặt khác, theo quy định của BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là khi nào, pháp luật cũng không giới hạn việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là bao nhiêu lần. Cho nên trình giải quyết vụ án, có Thẩm phán sau khi thụ lý vụ án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải để kiểm tra tài liệu, chứng cứ mà các đương sự đã cung cấp cũng như nhằm xác định những tài liệu, chứng cứ các đương sự cần nộp bổ sung và tài liệu, chứng cứ nào Tòa án cần phải thu thập. Đồng thời, Thẩm phán cũng tại điều kiện cho các đương sự có thể thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án, qua đó Thẩm phán có thể xác định được nội dung nào thống nhất và nội dung nào còn mâu thuẫn cần phải làm rõ, để từ đó có phương hướng giải quyết vụ án đúng đắn.

Tuy nhiên, sau phiên họp này thì đương sự mới phát hiện quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc sau đó mới xuất hiện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới, Tòa án đưa vào tham gia tố tụng và người này có yêu cầu độc lập. Trường hợp này Tòa án không thể từ chối thụ lý yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập của đương sự với lý do pháp luật không cho phép. Bởi, trong trường hợp này đương sự không biết hoặc không thể biết quyền lợi của mình bị xâm phạm để đưa ra yêu cầu.

3. Cần có hướng dẫn thống nhất

Bản chất yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là nếu không có yêu cầu trong cùng vụ án thì có thể khởi kiện ở một vụ án khác. Tuy nhiên, với mục đích giải quyết vụ án được triệt để, chính xác và nhanh hơn nên pháp luật quy định về yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập sẽ được xem xét giải quyết trong cùng một vụ án. Mặc dù, có sự vi phạm về thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, việc thụ lý giải quyết trong cùng vụ án nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự  và nhằm giải quyết vụ án triệt để, chính xác, khách quan hơn, không làm thay đổi  bản chất cũng nội dung vụ án. Cho nên việc thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập trong cùng vụ án là cần thiết và phù hợp với tinh thẩn của pháp luật tố tụng dân sự.

Hiện nay, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này, cho nên khi giải quyết các vụ án cụ thể thì sau khi thụ lý vụ án, các Thẩm phán thường tập trung thu thập các tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết vụ án và nhận thấy việc thu thập tài liệu, chứng cứ là đầy đủ thì mới quyết định mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Điều này cũng được pháp luật ghi nhận tại khoản 2 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định về các giai đoạn chuẩn bị xét xử thì sau khi lập hồ sơ vụ án, xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác, xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng, làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và cuối cùng là tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định. Với giải pháp này chỉ giải quyết được trong một số vụ án cụ thể, đơn giản có ít các đương sự, còn đối với các vụ án phức tạp, cần phải giải quyết nhiều mối quan hệ trong cùng vụ án thì khó có thể thực hiện được theo tiến trình này.

Như vậy, việc giải quyết vụ án như thế nào và theo thủ tục tiến hành ra sao thì vẫn phải đảm bảo giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật, nhưng pháp luật còn chưa rõ ràng, chưa hướng dẫn cụ thể. Do đó, chúng tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới sớm ban hành văn bản hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất và phù hợp với quy định của pháp luật.

NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾT (VKSND thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

14554

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]