09/09/2019 07:37

Yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn

Yêu cầu phản tố theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và vướng mắc trong thực tiễn

Yêu cầu phản tố là yêu cầu của bị đơn đối với nguyên đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) liên quan đến yêu cầu phản tố và một số vướng mắc trong thực tiễn.

I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾM YÊU CẦU PHẢN TỐ

1. Về yêu cầu phản tố của bị đơn

Quyền được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại khoản 1 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau: Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”. Nghĩa là sau khi nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án hoặc sau khi nhận được thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu độc lập của Tòa án, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn hoặc đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa yêu cầu phản tố của bị đơn với ý kiến của bị đơn dẫn đến trường hợp Tòa án không xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc chỉ là ý kiến của bị đơn nhưng Tòa án lại xem xét giải quyết như yêu cầu phản tố của bị đơn. Những sai sót như vậy, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hoặc là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Trước đây, việc phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn được Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:
- Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.

- Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Ví dụ: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu của C mà là của mình hoặc công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu chung của C và D. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 200 của BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn,người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.        

2. Về thời điểm bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Quy định bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải là một quy định hoàn toàn mới của BLTTDS năm 2015. Bởi vì thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự nói chung trước đây theo BLTTDS năm 2004 thì nhiều trường hợp bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố ngay từ đầu mà có khi đưa ra yêu cầu phản tố trong thời gian chuẩn bị xét xử, có khi bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố tại phiên tòa làm cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài và làm tăng tính phức tạp của bị án. Tuy nhiên, điểm hạn chế của BLTTDS năm 2015 là không quy định rõ bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ mấy. Vì một vụ án có thể mở nhiều phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không không nhất giữa các Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, đôi khi là sự “lách luật” để có thể xem xét thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn trong trường hợp bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần thứ nhất.

II. MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN

Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề yêu cầu phản tố và thực tiễn giải quyết các vụ án có yêu cầu phản tố hiện tai, tác giả nêu một số vướng cụ thể như sau:

1. Yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn của bị đơn trong vụ án ly hôn có phải là yêu cầu phản tố?

Các vụ án hôn nhân và gia đình có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng mà Tòa án giải quyết hiện nay có một số trường hợp sau: Nguyên đơn không yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng nhưng bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng; nguyên đơn yêu cầu chia một số tài sản chung của vợ chồng và bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khác. Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn trong những trường hợp trên hiện nay vẫn còn quan điểm khác nhau.

Có quan điểm cho rằng yêu cầu chia tài sản của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố nhưng có quan điểm cho rằng yêu cầu chia tài sản của bị đơn là yêu cầu phản tố. Quan điểm tác giả đồng tình yêu cầu chia tài sản của bị đơn là yêu cầu phản tố. Vì các lý do sau:

Thứ nhất, yêu cầu chia tài sản là yêu cầu của bị đơn buộc nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ là chia một phần tài sản chung của vợ chồng cho bị đơn được hưởng.

Thứ hai, yêu cầu chia tài sản của bị đơn là có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Vì khi giải quyết vụ án ly hôn, nếu có đương sự đặt ra vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án phải xem xét giải quyết và nếu Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản trong cùng một vụ án ly hôn thì sẽ thuận tiện và nhanh hơn so với việc phải tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng để giải quyết trong vụ án khác.

Thứ ba, yêu cầu chia tài sản của bị đơn và yêu cầu ly hôn, yêu cầu chia tài sản của nguyên đơn là hoàn toàn độc lập nhau.

Như vậy, yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thỏa mãn điều kiện là yêu cầu phản tố như hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mà tác giả đã trình bày.

2. Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất có phải là yêu cầu phản tố?

Khác với quy định trước đây, BLTTDS năm 2015 không quy định bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu hủy quyết định cá biệt. Mà BTTDS năm 2015 quy định tại khoản 2 Điều 34 như sau: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”. Tuy nhiên, nếu đương sự có yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt thì Tòa án cũng phải xem xét, giải quyết.

Trong các vụ án có yêu cầu về hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhiều nhất là các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất. Đó là trường hợp nguyên đơn là bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị đơn là bên đang trực tiếp sử dụng đất tranh chấp nên bị đơn yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nguyên đơn liên quan đến phần đất tranh chấp. Đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn trong trường hợp nêu trên thực tiễn hiện nay vẫn còn nhận thức khác nhau.

Có quan điểm cho rằng yêu cầu này của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố nhưng cũng có quan điểm cho rằng yêu cầu này của bị đơn là yêu cầu phản tố. Còn theo quan điểm của tác giả, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn là yêu cầu hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 34 BLTTDS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của BLTTDS thì: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”. Như vậy, khi có căn cứ cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án có quyền quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó mà không phụ thuộc vào việc có đương sự yêu cầu hay không. Bản chất của yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự là yêu cầu khiếu kiện hành chính nhưng sẽ được giải quyết trong cùng vụ án dân sự. Nếu trong vụ án hành chính thì cơ quan ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người bị kiện thì trong vụ án dân sự cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, chủ thể mà bị đơn hướng tới và “có tranh chấp” là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn chứ không phải là nguyên đơn. Và trong vụ án dân sự thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường là UBND cấp huyện) không có yêu cầu độc lập gì nên không thỏa mãn được điều kiện: bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với …, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” quy định tại khoản 1 Điều 200 BLTTDS. Mặt khác, khi giải quyết vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án bắt buộc phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nguyên đơn. Qua đó mới có căn cứ quyết định chấp nhận hay không không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bị đơn. Do đó, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn trong trường hợp trên là cùng (không độc lập) với yêu cầu của nguyên đơn. Chính vì vậy mà yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bị đơn không phải là yêu cầu phản tố vì không thỏa mãn các điều kiện của yêu cầu phản tố.

3. Trường hợp, bị đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố sau khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa thì giải quyết như thế nào?

Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được quy định cụ thể trong BLTTDS năm 2015 nhưng có hướng dẫn tại mục 7 phần III Văn bản số: 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có giải đáp. Cụ thể như sau:

- Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Tuy nhiên, thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn thì BLTTDS năm 2015 không quy định và hiện nay Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể.

Điều này dẫn đến sự lúng túng hoặc áp dụng pháp luật không thống nhất của các Thẩm phán. Theo tác giả, mặc dù BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể về thời điểm thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể vận dụng và áp dụng pháp luật tương tự như hướng dẫn về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

4.  Sau khi Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Tòa án mới đưa thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án và người này có yêu cầu độc lập thì bị đơn có được quyền đưa ra yêu cầu phản tố?

Theo quy định tại Điều 210 của BLTTDS năm 2015 thì tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, đương sự có quyền đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án nếu Tòa án thấy cần thiết thì cũng có quyền đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án. Như vậy, vấn đề đặt ra là sau khi Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Tòa án mới đưa thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng trong vụ án và người này có yêu cầu độc lập thì bị đơn có được quyền đưa ra yêu cầu phản tố không. Về nguyên tắc, Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải thì bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, theo tác giả trong trường hợp nêu trên thì bị đơn vẫn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Để việc áp dụng pháp luật về yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự nói chung được thống nhất trong thực tiễn, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể các vướng mắc nêu trên. Nhất là cần giải đáp hoặc hướng dẫn một số trường hợp cụ thể về yêu cầu phản tố và thời điểm bị đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu phản tố.

Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

56287

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn