27/06/2024 16:13

Phân biệt vùng miền có thể chịu mức án phạt tù lên đến 15 năm

Phân biệt vùng miền có thể chịu mức án phạt tù lên đến 15 năm

Hành vi phân biệt vùng miền có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì bị xử lý hình sự như thế nào?

1. Phân biệt vùng miền có trái với quy định pháp luật không?

Việc kì thị, phân biệt vùng miền không còn là một vấn đề mới xuất hiện, tuy nhiên nó vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối trong đời sống, gây mất tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, hành vi phân biệt vùng miền còn đáng lo ngại hơn bởi vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook,... Rất nhiều người tham gia phân biệt vùng miền bằng cách mỉa mai, châm chọc, phân biệt về từng vùng miền vì họ xem đây là một trò giải trí trên mạng xã hội.

Hiến pháp 2013 có nêu rõ:

- Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

- Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Chính vì vậy cho nên, hành vi mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền là hành vi trái với pháp luật và đi ngược lại với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của đất nước Việt Nam.

2. Phân biệt vùng miền bị xử lý như thế nào?

Đối với hành vi phân biệt vùng miền thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Về xử phạt vi phạm hành chính:

Căn cứ tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội”.

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

...

Như vậy, dù cho là vô tình hay cố ý thì người có hành vi phân biệt vùng miền qua mạng xã hội gây xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân hay tổ chức có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Nặng hơn, nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi miệt thị, phân biệt vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội danh sau đây:

(1) Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là từ 02 đến 05 năm tù, cụ thể:

- Khung hình phạt cơ bản: người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

- Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

+ Làm nạn nhân tự sát.

- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(2) Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là từ 07 năm đến 15 năm tù, cụ thể:

- Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;

+ Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

+ Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;

+ Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

- Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Do đó, mỗi người cần học cách chịu trách nhiệm với từng hành vi, từng lời bình phẩm của mình trên mạng xã hội chứ đừng có những hành vi phi văn hóa như phân biệt vùng miền. Qua đó góp phần tạo ra một không gian mạng văn minh, lành mạnh, nơi mà mọi người có thể chia sẻ và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với cộng đồng.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
125

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn