27/06/2024 11:12

Cá nhân dưới 18 tuổi có được đứng tên xe máy năm 2024?

Cá nhân dưới 18 tuổi có được đứng tên xe máy năm 2024?

Cha mẹ dự định mua một chiếc xe máy cho con thuận tiện việc đi lại, học tập trung học phổ thông xa nhà. Nhưng muốn cho con được đứng tên xe máy có được không?

1. Cá nhân dưới 18 tuổi có được đứng tên xe máy năm 2024?

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA về nguyên tắc đăng ký xe như sau:

Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.

Do đó, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được đăng ký xe nếu có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.

Tuy nhiên, cần lưu ý độ tuổi hợp pháp của người lái xe thấp nhất là đủ 16 tuổi trở lên đối với xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Mức phạt đối với người chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy

Theo đó, người chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy thì sẽ vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô.

Như vậy, đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi, hành vi điều khiển xe mô tô hoặc xe gắn máy sẽ bị phạt cảnh cáo. Mức phạt tăng lên đáng kể cho nhóm tuổi từ 16 đến dưới 18, với mức phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng khi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, và cao hơn nữa, từ 2 đến 4 triệu đồng, nếu điều khiển xe ô tô hoặc các phương tiện tương tự. 

Bên cạnh đó, cha, mẹ giao xe hoặc để cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. (Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

>> Xem thêm: Cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi lái xe bị xử lý như thế nào?

Nguyễn Ngọc Trầm
1032

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]