13/02/2025 10:08

Những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng? Khi sử dụng vũ khí quân dụng cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

Những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng? Khi sử dụng vũ khí quân dụng cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

Hiện nay, việc trang bị và sử dụng vũ khí quân dụng đang được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, theo đó, những đối tượng nào sẽ được trang bị vũ khí quân dụng?

Vũ khí quân dụng gồm những loại nào?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì Vũ khí quân dụng sẽ bao gồm các loại sau:

- Súng cầm tay, súng vác vai, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, đạn sử dụng cho các loại vũ khí này; các loại bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi và vũ khí khác thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 (theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024);

- Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành (theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024);

- Vũ khí thô sơ được quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 gồm: Kiếm, giáo, mác, thương, dao găm, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

- Súng săn, vũ khí được quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm a Khoản 5 và dao có tính sát thương cao quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 được sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật;

- Linh kiện cơ bản của súng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 bao gồm: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa;

- Linh kiện cơ bản của súng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 bao gồm: thân súng, bộ phận cò;

- Vũ khí khác có tính năng, tác dụng, khả năng gây sát thương tương tự như vũ khí quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, không thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng? 

Căn cứ quy định tại Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Cảnh sát biển;

- Công an nhân dân;

- Cơ yếu;

- Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm lâm, Kiểm ngư;

- An ninh hàng không;

- Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan.

Lưu ý: Về phạm vi quản lý thì:

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ để quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

- Bộ trưởng Bộ Công an sẽ căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ để quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Các đối tượng này được quy định tại Khoản 1 Điều 9, các Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 10, Điều 11, Điều 15 Thông tư 75/2024/TT-BCA.

Khi sử dụng vũ khí quân dụng cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

Căn cứ quy định tại Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì việc sử dụng vũ khí quân dụng cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc sử dụng vũ khí quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.

Nguyên tắc 2: Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau đây:

- Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;

- Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo;

- Việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay;

- Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

- Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

Nguyên tắc 3: Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 22 và Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 22 và Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024; quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Nguyên tắc 4: Người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024; trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thị Bảo Long
82

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn